Thảo luận

Unesco xem xét công nhận Di sản Thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam

Minh Tú - 15:59 19/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Mới đây, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) vừa có văn bản phúc đáp về hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận và ghi vào danh mục Di sản Thế giới. Với địa bàn trải dài trên ba tỉnh Quảng Ninh - Bắc Giang - Hải Dương, nếu thành công, đây sẽ là di sản thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (địa bàn hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng).

Được biết, việc xây dựng hồ sơ công nhận Di sản Thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó phải tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm: Giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.

Năm 2020, ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản.

Ngày 29/9/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có ý kiến đồng ý Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thay mặt Chính phủ ký Hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc” (thuộc địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) gửi Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) để đề nghị công nhận và ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước Di sản Thế giới 1972 và pháp luật về di sản văn hóa.

Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử (Ảnh LĐ)

Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ về quần thể di tích đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh ở nước ta. Hồ sơ có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, để có thể chứng minh và tuyên bố ra thế giới được giá trị “Nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”, “Tính xác thực”, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã đồng thời chỉ đạo triển khai cả 3 phương pháp: Vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.

Ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản Thế giới. Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới do UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương triển khai công tác xây dựng. Bộ hồ sơ gồm 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.

Chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang là nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương. Để chứng minh, tuyên bố, khẳng định giá trị của quần thể, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời chỉ đạo triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị quần thể di tích. Trong đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích Yên Tử, triển khai các chuyên đề nghiên cứu khoa học, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ.

Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hoá của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang…

Hồ sơ tập trung hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, viết hồ sơ và mời chuyên gia quốc tế khảo sát, làm việc với chuyên gia trong nước xây dựng hồ sơ, trong đó, nhiều chuyên gia hàng đầu của Hội Khảo cổ học Việt Nam, UNESCO, Trung tâm Karst và Di sản địa chất... Đây là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 18 cụm di sản với 32 điểm di tích tại liên tỉnh, địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp.

Tại văn bản phúc đáp mới đây, UNESCO đã đề nghị phía Việt Nam cung cấp bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ cũng sẽ được gửi đồng thời tới Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát, đánh giá thực tế.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác