Hải Phòng rực rỡ, lung linh sắc màu trong Lễ hội Hoa phượng đỏ năm 2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại sứ quán một số nước, các tổ chức phi chính phủ và đông đảo đại biểu, người dân tham dự lễ hội.
Lễ hội hoành tráng nhất từ trước tới nay
Mở đầu lễ hội là lễ đón nhận bằng của Unesco ghi danh Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) là di sản thiên nhiên Thế giới. Đây là di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội Hoa phượng đỏ 2024 với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản" là dịp để quảng bá sâu rộng hơn nữa hình ảnh thành phố đến với du khách trong và ngoài nước.
Năm 2024 là năm thứ 11 diễn ra lễ hội và cũng là năm đầu tiên chương trình khai mạc Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024 được tổ chức tại địa điểm mới với một chương trình nghệ thuật đặc biệt ấn tượng được trình diễn trên một sân khấu quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Rực rỡ, lung linh sắc màu Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024. Ảnh: Đại Nguyễn
Quảng trường với mặt bằng có sức chứa lên đến 18.000 người. Việc tổ chức chương trình nghệ thuật đêm hội Lễ hội Hoa Phượng Đỏ tại đây sẽ giúp giảm tải lưu lượng giao thông cho khu vực đô thị cũ hiện nay, mặt bằng quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị – Hành chính rộng, thuận tiện cho việc bố trí sân khấu và các khu vực phụ trợ khác, bảo đảm riêng biệt, an toàn (khu vực tác nghiệp báo chí, truyền hình, khu vực kỹ thuật…)
Nghệ sĩ Lê Minh Trí - Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật đêm khai mạc Lễ hội Đặng cho biết, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ – Hải Phòng 2024 chắc chắn sẽ là lễ hội hoành tráng nhất từ trước tới nay, từ kịch bản chương trình, không gian từ sân khấu và không gian dàn dựng có nhiều dấu ấn đặc biệt. Chương trình là sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, những nguồn ánh sáng từ các vùng miền trên khắp Việt Nam sẽ cùng hòa nhịp và tô thắm, làm rực rỡ Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm nay.
Đầu tiên đó chính là yếu tố ấn tượng thị giác, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng sự vận động liên tục của chuỗi hình tượng liên đới có cùng cấu tứ khởi nguồn từ ánh sáng, đó là Mặt trăng – Hải đăng – Mặt trời. Việc lựa chọn ánh sáng là chủ thể khai thác chính là nét riêng có của chương trình. Câu chuyện ánh sáng đồng hiện với câu chuyện về một vùng đất luôn tỏa sáng theo dòng thời gian. Điểm khác biệt này được thể hiện bằng sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự tinh tế trong việc khắc hoạ hình tượng văn học.
Tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở. Ảnh: Đại Nguyễn
Chương trình vẽ nên vẻ đẹp lung linh, kiêu hãnh của miền di sản bằng ánh sáng (như Lighting performance – lighting show lập trình kết hợp với laser), công nghệ visual 3D… thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ sĩ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản dân tộc và nhân loại, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới, thu hút sự theo dõi của đông đảo du khách Việt Nam và quốc tế. Sự chắt lọc tinh hoa, sự công phu, hoàn hảo trong từng tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật, tất cả tưởng chung mà riêng, tưởng riêng mà chung, gắn kết để cùng thăng hoa, tỏa sáng.
Dấu ấn đặc biệt chương trình khai mạc Lễ hội năm nay phải kế đến việc thiết kế sân khấu, tổng thể sân khấu lấy cảm hứng từ hình tượng bông hoa phượng bừng nở, với từng cánh hoa được thiết kế nổi bật, uốn cong mềm mại, vươn toả tạo cảm giác vô cực.
Bên cạnh đó sân khấu còn được tạo tác bởi các mảng led panorama uốn mình kết nối, vừa biến đổi không gian cho các tiết mục nghệ thuật, lại giúp tăng cảm quan thưởng ngoạn ở nhiều góc độ khác nhau, mang lại sự hình dung vô cùng rộng lớn, cho cảm giác về một Hải Phòng mạnh mẽ, ngập tràn sức sống liên tục gắn kết để phát triển. Điểm đặc biệt của sân khấu chính là khán giả ngồi ở bất cứ vị trí nào cũng có thể hình dung được hình tượng xuyên suốt mà chương trình muốn khắc họa hình ảnh cánh phượng rực sáng.
3 trường đoạn nghệ thuật thể hiện Hải Phòng đẹp, mạnh mẽ, ngập tràn sức sống
Chương trình nghệ thuật diễn ra trong khoảng 1,5 giờ, gồm 3 trường đoạn nghệ thuật thể hiện quá khứ lịch sử hào hùng, miền đất và con người Hải Phòng giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, về quần đảo Cát Bà - kho báu thiên nhiên trên biển với những giá trị hết sức to lớn, cùng những khát vọng phát triển mãnh liệt đang mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố Cảng.
Với 3 chương, chương trình nghệ thuật đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả. Chương 1 với tên gọi “Khúc nguyệt cầm của biển”. Hình tượng chủ đạo là ánh trăng huyền thoại. Mặt trăng cũng gợi nhắc đến thủy triều – một hiện tượng thiên nhiên đặc biệt quan trọng với những cư dân vùng biển. Mặt trăng còn đại diện vẻ đẹp lãng mạn, huyền ảo của màn đêm. Dưới ánh trăng, những truyền thuyết, huyền tích của lịch sử thành phố Hải Phòng sẽ được tái hiện. Dưới ánh trăng, vẻ đẹp lãng mạn của một vùng biển mênh mang sóng nước, của vùng đảo ngọc cũng hiện lên trong mối giao cảm của đất trời và tâm hồn con người. Theo Ban Tổ chức, việc lựa chọn hình tượng trăng trong Chương 1 nhằm khắc họa yếu tố tự nhiên của vùng đất, đồng thời thể hiện nét ánh sáng mang tính chất huyền thoại, huyền diệu và huyền ảo.
Chương 2 với tên gọi “ Hải Phòng – Rạng rỡ tháng Năm”. Lấy hình tượng chủ đạo trong dàn dựng sân khấu là ngọn hải đăng với nhiều ý nghĩa về lịch sử và thời đại. Hải đăng Long Châu thường được gọi là “mắt ngọc Long Châu” – cái tên này không chỉ gợi lên vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của ngọn hải đăng mà còn thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn hàng hải. Nơi đây được xem là tiền đồn canh trấn vào cửa biển Hải Phòng, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược biển đảo của nước ta.
Suốt hơn một thế kỷ kể từ năm 1894, hải đăng Long Châu, ngọn hải đăng cổ xưa vẫn sừng sững giữa biển trời Cát Hải, soi đường cho hàng vạn tàu, thuyền xuôi ngược trên vùng biển vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi của Việt Nam. Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của đảo Long Châu, hải đăng Long Châu như một nét chấm phá nổi bật giữa biển trời, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, hiên ngang vượt qua sự mài mòn của hàng nghìn trận bão. Dù ở thời chiến hay thời bình, ngọn đèn ấy và tình yêu quê hương của người Hải Phòng luôn bất biến, tỏa sáng, soi rọi những giá trị vẻ vang mà lớp lớp thế hệ người dân nơi đây kiến tạo, dựng xây.
Đông đảo nhân dân và du khách tham dự lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng 2024. Ảnh: Đại Nguyễn
Chương 3 với tên gọi “Hải Phòng – Bừng sáng miền Di sản”, hình tượng chủ đạo là mặt trời khát vọng. Mặt trời là biểu tượng thể hiện cho những khát vọng mãnh liệt của một thành phố trước bình minh mang vận hội, thời cơ mới với những định hướng, tầm nhìn chiến lược, mở ra một cánh cửa bước vào tương lai đầy hứa hẹn cho thành phố Cảng.