Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể: Tổ chức Hội đã đóng góp tích cực, sáng tạo và hiệu quả
Mới đây, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, được kỳ vọng tạo động lực để kinh tế hợp tác phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Để làm rõ thêm về việc Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong thời gian qua, định hướng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Tạp chí Nông Thôn Mới đã phỏng vấn bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về nội dung này.
Thưa Phó Chủ tịch, việc triển khai xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác ở các cấp Hội NDVN trong thời gian qua đã đạt được những kết quả như thế nào?
Ngày 27 tháng 7 năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN (Khoá VII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW về Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, được đưa vào nghị quyết đại hội Hội ND các cấp, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng các chi hội nông dân, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp làm cơ sở thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đẩy nhanh kết quả phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã của cả nước.
Trước hết, kết quả cần được ghi nhận là công tác tuyên truyền, vận động được các cấp Hội Nông dân quan tâm triển khai hiệu quả. Nhờ đó, nhận thức của hội viên, nông dân về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp được nâng lên.
Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM); tuyên truyền vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan, hiệu quả của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã (HTX) kiểu mới mang lại; tuyên truyền các điển hình tiên tiến, các mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả để nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân.
Công tác tuyên truyền được các cấp Hội thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền thông qua báo, đài, tạp chí, cổng thông tin, bản tin của Hội; các hội nghị, hội thảo, hội thi, tọa đàm, các kỳ sinh hoạt chi, tổ hội. Đặc biệt, các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan, học tập các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nông dân được mắt thấy, tai nghe, trao đổi trực tiếp phương pháp, cách làm sáng tạo, từ đó gợi ý những giải pháp phù hợp cho mình.
Thứ hai, về giải pháp thực hiện, Hội NDVN có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện nhưng giải pháp thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp là giải pháp làm tiền đề. Giải pháp này nhằm đa dạng hình thức tập hội viên; đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Giải pháp này đồng thời giúp nông dân bứt phá khỏi cách làm nhỏ lẻ, cá nhân hiệu quả thấp trong quá khứ để làm quen với việc liên kết trong sản xuất - kinh doanh, tạo nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp. Thông qua các chi, tổ hội nghề nghiệp, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và dạy nghề cho lao động nông thôn cũng được tiến hành tập trung và hiệu quả hơn.
Thưa Phó Chủ tịch, giải pháp tạo nền tảng phát triển kinh tế tập thể của Hội có điểm độc đáo riêng biệt gì so với cách làm mà các tổ chức khác đang thực hiện?
Phương thức tập hợp hội viên nông dân vào các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ Hội nông dân nghề nghiệp hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Đây giải pháp đã được Hội NDVN đúc rút thành công thức, từng bước nhân rộng và có dấu ấn riêng, từng bước xây dựng nền tảng cho những bước tiến mới trong phát triển kinh tế hợp tác những năm tiếp theo.
Thông qua sinh hoạt định kỳ, ngoài các nội dung, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội NDVN quy định, hội viên nông dân có điều kiện chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, thông tin thị trường; liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ; hình thành tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị.
Với lợi ích thiết thực mang lại, việc xây dựng các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo và hội viên nông dân tích cực tham gia. Tính đến nay, cả nước đã có khoảng 2.000 chi hội nông dân nghề nghiệp và hơn 24.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp được thành lập với ngành nghề sản xuất, kinh doanh đa dạng, phong phú... Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp được thành lập đi vào hoạt động đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên. Đặc biệt, nhiều chi hội, tổ hội đã liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, HTX… tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản theo mô hình “3 trong 1” (chi hội nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp trong cùng một tổ chức chi hội nông dân). Có HTX thành lập được tổ chức Đảng theo mô hình “4 trong 1” (chi Hội Nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp - tổ chức Đảng). Những mô hình và hình thức này đã giúp cho hội viên trong các chi hội “3 trong 1”, “4 trong 1” được bổ sung thêm nhiều kiến thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Qua thực tế những năm qua, có thể khẳng định, việc chỉ đạo thành lập các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp là giải pháp riêng có của Hội NDVN, là đúng xu thế phát triển, thiết thực với hội viên nông dân, đáp ứng nhu cầu hội viên và yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW 5 (khoá IX) của Đảng.
Để nâng cao chất lượng của các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, các cấp Hội đã tổ chức những hoạt động cụ thể gì, thưa Phó Chủ tịch?
Cùng với hoạt động tuyên truyền, các cấp Hội đã phối hợp các ban, ngành và tổ chức liên quan, nhất là ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, các đoàn thể, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân, HTX về 6 điểm sau đây: (1) Các bước thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã từ khâu khảo sát, lập dự án đến tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định; (2) Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý HTX, kiến thức kỹ năng sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ tiên tiến… đến cán bộ quản lý, cán bộ Hội, thành viên HTX, tổ hợp tác và hội viên nông dân; (3) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn từ các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn ủy thác, tín chấp từ các ngân hàng thông qua tổ chức Hội; (4) Tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, Festival quảng bá, giới thiệu sản phẩm; (5) Hướng dẫn tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kết nối cung cầu, sản xuất tiêu thụ nông sản, nhất là trong đợt dịch Covid vừa qua; (6) Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, đăng ký thực hiện Chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm”.
Từ những kết quả hoạt động trên, đến nay các cấp Hội trong cả nước đã trực tiếp vận động, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thành lập được gần 3.500 HTX nông nghiệp và hơn 22.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm và đóng góp của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn.
Thưa Phó Chủ tịch, cùng với những kết quả đạt được, việc triển khai phát triển các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và tham gia xây dựng các mô hình kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp của Hội gặp phải khó khăn, và có những hạn chế nào?
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và tham gia xây dựng các mô hình kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp còn gặp một số khó khăn và còn có những hạn chế.
Thứ nhất, nhận thức của không ít hội viên nông dân về kinh tế tập thể, HTX kiểu mới chưa đầy đủ nên chưa sẵn sàng tham gia;
Thứ hai, một bộ phận cán bộ chưa nêu cao trách nhiệm, chưa tận tụy, trăn trở với đời sống, việc làm của nông dân nên chưa tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vận động nông dân vào các chi, tổ hội nghề nghiệp, các HTX, tổ hợp tác.
Thứ ba, công tác phối hợp giữa Hội ND với các ban, ngành liên quan chưa chặt chẽ, không phát huy được nguồn lực của các bên để tạo thành sức mạnh trong lãnh đạo và triển khai thực hiện;
Thứ tư, đa số các HTX sản xuất quy mô nhỏ bé, tính bền vững chưa cao, thể hiện rất rõ trong tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua. Các HTX còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ quản lý, về vốn, về đất đai, về hạ tầng cơ sở; các chính sách đã ban hành nhưng khó được tiếp cận; mối quan hệ giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp - nhà khoa học còn hạn chế; hầu hết các HTX chưa tổ chức được nhiều dịch vụ, chưa mang lại được nhiều lợi ích, lợi nhuận cho thành viên, nên mức độ tin tưởng, gắn bó thành viên chưa cao. Đây là một trong những hạn chế lớn khó thuyết phục nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Xin Phó Chủ tịch cho biết giải pháp để phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã trong thời gian tới?
Nghị quyết số 20-NQ/TW do Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua và ban hành ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã đề ra mục tiêu tổng quát “Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa”.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng, nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã, trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam tập trung vào một số nội dung và giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để hội viên nông dân hiểu rõ: Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp, phải đổi mới từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế, kinh doanh nông nghiệp, và không còn con đường nào khác là liên kết - hợp tác, sản xuất theo nhu cầu thị trường; xác định kinh tế tập thể là tất yếu khách quan, là cấp thiết, là giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; từ đó, tự giác, tự nguyện, chủ động tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, tổ chức Hội thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc để phản ánh cho cấp ủy Đảng, chính quyền; làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đề xuất các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế tập thể.
Hai là, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thành lập mới các chi, tổ hội nghề nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các HTX, THT trên cơ sở các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp; coi trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các chi tổ hội nghề nghiệp; lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, các chủ trang trại, gia trại làm hạt nhân, nòng cốt; khuyến khích, động viên lực lượng trí thức trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ được đào tạo có mong muốn, nguyện vọng tham gia phát triển nông nghiệp tại quê hương cùng với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có trình độ, uy tín bố trí làm chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp. Xây dựng mô hình điểm “3 trong 1”: Chi hội nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp trên cùng một địa bàn thôn, bản hoặc xã, phường, thị trấn (khuyến khích doanh nghiệp được thành lập trong HTX); mô hình “4 trong 1”: Chi hội Nông dân nghề nghiệp - hợp tác xã - doanh nghiệp - tổ chức Đảng.
Ba là, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội và giám đốc, ban quản trị hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân. Đây đang là một khâu yếu, do vậy, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Hội về vai trò quan trọng của kinh tế tập thể và kỹ năng trong chỉ đạo, thực hiện; phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho giám đốc, các cán bộ quản trị của HTX; tạo điều kiện tổ chức đi tham quan, học tập các mô hình hoạt động hiệu quả…
Bốn là, tăng cường năng lực cho các HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững; coi trọng chất lượng và mở rộng quy mô thành viên. Để kinh tế tập thể phát triển bền vững, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển các tổ hợp tác, HTX sản xuất hàng hoá lớn theo chuỗi giá trị, gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao; nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; chú trọng bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã vùng sản xuất, mã xưởng đóng gói và phải theo nhu cầu thị trường… Các cấp Hội tích cực phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, nhất là ngành Nông nghiệp, ngành Công thương, Liên minh hợp tác xã, các doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, thành viên HTX đáp ứng yêu cầu sản xuất nêu trên; hướng dẫn nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Hội xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, nhất là Đề án “Hội NDVN tham gia phát triển hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn 2021-2030” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm khai thác các nguồn lực hỗ trợ HTX.
Năm là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với Hội Nông dân triển khai có hiệu quả hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Việc phối hợp hiệu quả sẽ giúp Hội NDVN phát huy tốt vai trò “trung tâm, nòng cốt” cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới và có điều kiện tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập hợp nông dân, đồng thời giúp cho nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tham gia kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Những mục tiêu lớn về kinh tế hợp tác
• Đến năm 2030: Cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
• Đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
(Nguồn: Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII).