Dự kiến trẻ lớp 6 sẽ được tiêm vaccine COVID-19 từ tuần tới
Thông tin cụ thể về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em, PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: “Hiện Bộ Y tế đã đã tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên do Australia viện trợ. Lô vaccine này đang được kiểm định chất lượng. Sau khi kiểm định cùng với công tác chuẩn bị tại các địa phương, dự kiến tuần tới sẽ triển khai tiêm cho trẻ trên diện rộng”.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Theo kế hoạch, các địa phương sẽ triển khai tiêm cho trẻ lớp 6 trước sau đó hạ dần độ tuổi.
Về phản ứng sau tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng cũng cho biết, với 2 loại vaccine đã được phê duyệt để tiêm cho nhóm trẻ này, các phản ứng cũng tương tự như với nhóm 12-7 tuổi. Các phản ứng thông thường như: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, tiêu chảy... xảy ra ở mũi 2 nhiều hơn mũi 1; trẻ có thể gặp các phản ứng ít gặp như: Buồn nôn, sưng đau tại chỗ tiêm; rất hiếm gặp như: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
“Tuy nhiên, chúng ta không căn cứ vào tỷ lệ phản ứng thấp là bao nhiêu, mà luôn phải có tinh thần cảnh giác, trách nhiệm xử lý kịp thời tất cả các tình huống có thể xảy ra”, PGS.TS Dương Thị Hồng khẳng định.
Bộ Y tế cũng lưu ý, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cha mẹ phải theo dõi sức khoẻ của trẻ trước ngày tiêm, xem trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp hay bất thường gì không. Khi trẻ thực sự khoẻ mạnh, cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng; lưu ý tránh lây nhiễm dịch khi đi tiêm... Nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc chưa xác định, cha mẹ cũng không nên đưa trẻ đi tiêm.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khi gặp cán bộ y tế tại điểm tiêm, cha mẹ nên chia sẻ kỹ thông tin tiền sử sức khoẻ, bệnh nền, dị ứng... của trẻ để được tư vấn và chỉ định tiêm phù hợp. Với trẻ có bệnh mãn tính thông thường, nếu không có triệu chứng đặc biệt có thể tiêm ngay tại trạm y tế.
Sau tiêm, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần theo dõi sức khoẻ của trẻ trong ít nhất 3 ngày đầu; cho trẻ ở lại ít nhất 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm để theo dõi các phản ứng phản vệ. Khi theo dõi trẻ tại nhà, nếu thấy trẻ có các biểu hiện bất thường như: Sốt cao, li bì, mệt mỏi.... hay biểu hiện thông thường tăng lên, mức độ trầm trọng hơn, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Đặc biệt, nếu trẻ có những biểu hiện khác với các phản ứng như khuyến cáo, cha mẹ cũng cần đưa đến cơ sở y tế để theo dõi, xử trí..
Theo VOV