Nông thôn mới

Đừng để quả sầu riêng thành nỗi sầu chung

Minh Tú - 13:36 06/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Lô hàng 1,4 tấn sầu riêng mới bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản tiêu hủy do tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Câu chuyện đáng buồn này có thể trở thành nỗi sầu chung cho tất cả các loại hoa quả khác của Việt Nam đang xuất sang thị trường khó tính này. Mối nguy lớn hơn, nó có thể phá vỡ mối liên kết giữa người nông dân và đơn vị phân phối tiêu thụ nông sản Việt Nam..

Sao phải nhúng hóa chất cho sầu riêng?

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2 tỷ USD, gấp 7 lần cùng kỳ năm 2022, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ 8 của Việt Nam, kim ngạch đạt gần 1,3 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022.

Sầu riêng là loại “vua trái cây” trong mùa Hè, chứa nhiều chất dinh dưỡng và tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Chính vì vậy, nó là loại quả được nhiều người yêu thích và săn lùng. Sầu riêng chín có hai cách để thu hoạch, một là trái tự rụng khi đã chín hẳn và để 1 - 2 ngày tự nứt vỏ ăn ngay. Nhưng với những “vựa” sầu riêng, chuyên cung cấp đầu mối lớn thì việc chờ sầu tự rụng là điều bất khả thi. Bởi để làm được điều đó thì sầu phải thụ phấn gần như một lượt và chín cùng một lúc.

Sầu riêng là loại “vua trái cây” trong mùa Hè, chứa nhiều chất dinh dưỡng và tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Bên cạnh đó, sầu riêng chín cây không thể để lâu nhưng quá trình xuất khẩu cần nhiều ngày vận chuyển, thông quan…. Hơn nữa, nếu để sầu riêng chín rụng thì đến mùa sầu chín, không ai dám ra vườn vì trái sầu riêng rụng rất nguy hiểm.

Vì vậy, người nông dân sẽ phải cắt những trái gần chín và sau đó dùng thuốc để nhúng, ví dụ nhúng loại Phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN do Công ty Cổ phần Sinh học nông nghiệp HPC (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất. Đây là loại hóa chất chứa Ethephon nên còn được gọi là "phân bón lá Ethephon".

Phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN do Công ty Cổ phần Sinh học Nông nghiệp HPC (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất.

Trước câu hỏi "phân bón lá Ethephon" có độc hay không, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho rằng: Ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, người sản xuất không nên dùng Ethephon ép chín trái cây quá nhanh bằng cách sử dụng liều lượng lớn. TS. Nghĩa cũng cho biết, trái cây sử dụng chế phẩm này khi người tiêu dùng mua về chỉ cần rửa sạch là có thể loại bỏ dễ dàng, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Việc Ethephon bị hiểu sai là do có một số nhà vườn sử dụng hóa chất trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc với nhãn mác tự dán cũng ghi tác dụng tương tự.

Rõ ràng, Công ty Công ty Japan Apple LLC, đơn vị nhập khẩu lô hàng sầu riêng đã không làm tốt khâu hậu kiểm cuối cùng để rồi nhận “trái đắng”. Nhưng bên cạnh đó cũng cần phải nhắc đến những cách làm ăn manh mún, hám lợi trước mắt, bất chấp tất cả của một bộ phận người nông dân trồng sầu riêng.

Chúng ta đều biết, phần lớn chủ vườn đều muốn thu hoạch xong sớm để vừa có thu nhập vừa tránh tình trạng trái rụng, đồng thời có thể nhanh chóng phục hồi vườn cây nhằm chuẩn bị cho mùa vụ sau. Với tâm lý này, có một bộ phận nhà vườn đã bắt tay với các thương lái hám lợi thu hoạch toàn bộ số sầu riêng trên cây chỉ với một lần cắt, bất chấp số trái trên cây có độ tuổi khác nhau. Tình trạng này được dân trong nghề gọi là “cắt một dao”, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng trái sầu riêng không chín, cơm trái không lên màu, giảm chất lượng.

Nguy hại hơn, với những trái sầu riêng còn quá non, họ bắt buộc phải nhúng hóa chất với độ đậm đặc hơn mức quy định dẫn đến tồn dư hóa chất, ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng và gây hại cho ngành hàng “tỷ đô”.

Đừng để thành nỗi sầu chung

Với động thái này từ phía cơ quan chức năng của Nhật Bản, rõ ràng, ngành nông nghiệp “tỷ đô” đang bị đe dọa nghiêm trọng. Không những thế, nó còn làm “vạ lây” các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam khi xuất sang thị trường này đều bị cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đưa vào “luồng đỏ” kiểm soát chặt chẽ hơn. Thời gian là vàng bạc thì với ngành nông sản, nó là “kim cương” bởi lẽ, nông sản ùn ứ tại cửa khẩu chờ kiểm dịch sẽ xuống mã, biến chất lượng, nguy cơ bị trả hàng quay đầu, hủy đơn hàng, thậm chí bồi thường là rất cao.

Từ câu chuyện buồn trên, nhìn rộng ra, chúng ta cũng cảm thấy lo lắng hơn về các “liên kết dọc, liên kết ngang” trong sản xuất nông sản Việt. Mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp đó còn lỏng lẻo nên sầu riêng tuy bán với giá cao nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu lại lỗ nặng.
Bên cạnh đó, nó cũng chỉ ra một thực tế đáng buồn là không phải nông hộ nào cũng quen với việc sản xuất theo hợp đồng hay tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa. Hơn nữa, nông dân chủ yếu vẫn sản xuất theo hướng tự phát và manh mún khiến sản phẩm rau quả trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao. 
Rõ ràng, khi các chủ thể chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài khi sản xuất, tiêu thụ ổn định, việc phá vỡ chuỗi liên kết là khó tránh khỏi. Đây là những điểm yếu cố hữu cần sớm khắc phục để Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản bền vững vào những thị trường khó tính và tiềm năng.

Lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thật sự vào cuộc, xác định rõ nguyên nhân, tìm kiếm biện pháp giải quyết, không để tình trạng manh mún, tự phát kéo dài trong ngành hàng “tỷ đô” này. Với chất lượng hoàn hảo, sầu riêng Việt nam còn rất nhiều dư địa xuất khẩu nhưng nếu tiếp tục cung cách làm ăn này, nguy cơ mất đi tất cả thị trường đã hiển hiện trước mắt.

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” .

Tin cùng chuyên mục
Tin khác