Được và mất sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài du nhập những phương thức đầu tư, kinh doanh mới vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống nhân dân…
Ngày 29/12/1987, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, đây được coi là bước đi chiến lược, kịp thời và thông minh khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới chỉ trước đó một năm, 1986.
Nhìn lại 30 năm, những thành quả của đổi mới, trong đó có đóng góp của đầu tư nước ngoài thật to lớn. Việt Nam từ một quốc gia nghèo (GDP đầu người 1989 là 100 USD) đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP đầu người năm 2017 là 2.400USD), quốc gia có tốc độ hội nhập ấn tượng, là đối tác chiến lược của các quốc gia lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.
Những đóng góp ấn tượng
Đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp tích cực và ấn tượng trên nhiều mặt trong tiến trình hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ phát triển của đất nước. Tính đến 20/12/2017, cả nước có 24.748 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 318,72 tỷ USD, vốn thực hiện là 172,35 tỷ USD.
Thứ nhất, đầu tư nước ngoài đã đóng góp nguồn vốn rất quan trọng cho tăng trưởng và xuất khẩu. Vốn FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Mặc dù vẫn được ưu tiên trong tiếp cận đất đai, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, song đóng góp thu ngân sách của khu vực FDI không hề thua kém các doanh nghiệp trong nước.
Năm 2017, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất khẩu 155,4 tỷ USD chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu gần 30 tỷ USD, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ nhập siêu.
Thứ hai, đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong việc giải quyết lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một nhân tố cơ bản cho hội nhập và phát triển.
Những năm đầu của thập niên 90, dư thừa lao động, thiếu việc làm là vấn đề không dễ giải quyết, đó cũng là lợi thế lao động giá rẻ thu hút đầu tư nước ngoài, song đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng giải quyết khó khăn đó và nâng dần vị thế của lao động Việt Nam.
Trong quá trình làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người lao động đã trưởng thành trên nhiều mặt: tác phong công nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, trình độ kỹ năng chuyên môn kỹ thuật và quản lý, trình độ ngoại ngữ…
Nhiều lao động sau thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã trở thành những cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi, nòng cốt trong các doanh nghiệp.
Thứ ba, đầu tư nước ngoài đã trực tiếp và gián tiếp đóng góp chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam.
Trong các doanh nghiệp FDI nhiều máy móc, thiết bị, dây truyền công nghệ đã được nhập khẩu phục vụ sản xuất, các quy trình kỹ thuật, bí quyết công nghệ và lý thuyết, kinh nghiệm quản lý đã được chuyển giao cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý Việt Nam; nhiều công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý người Việt Nam có thể đảm đương tốt các vị trí của lao động nước ngoài.
Kết quả trên vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi chi phí nhân công Việt Nam thấp hơn nhiều so với chi phí nhân công từ nước ngoài trong cùng một vị trí công tác.
Đồng thời, rất có lợi cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.
Việc nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ… đã đầu tư vào Việt Nam, điển hình là tập đoàn Samsung đặt mục tiêu xây dựng cứ điểm lớn nhất thế giới của Samsung tại Việt Nam và gần đây nhất đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn với 2.000 kỹ sư tuyển dụng tại Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ.
Thứ tư, đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng thúc đẩy và làm cho hội nhập có chiều sâu hơn. Hội nhập và đầu tư nước ngoài là hai mặt tương hỗ, kết quả hội nhập cũng thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và ngược lại.
Nói đến các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, biểu tượng của hội nhập, không thể không nhắc đến đầu tư nước ngoài. đầu tư nước ngoài còn gián tiếp thúc đẩy giao lưu văn hóa, xã hội và du lịch, cầu nối hữu nghị với các quốc gia trên thế giới.
Thứ năm, đầu tư nước ngoài và hội nhập đã là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản pháp luật đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Qua 30 năm đổi mới và hội nhập, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đã có những phát triển ấn tượng, hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không với các cảng biển và sân bay hiện đại tầm cỡ khu vực đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu giao thương, đầu tư phát triển đất nước.
Đầu tư nước ngoài cũng du nhập những phương thức đầu tư, kinh doanh mới vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Kể từ năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài, (từ 2005 là luật đầu tư chung) qua sáu lần sửa đổi và bổ sung đã trở thành một bộ luật khá hoàn chỉnh và tiên tiến, được các chuyên gia trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đánh giá cao, các lần thay đổi của bộ luật này luôn bám sát mục tiêu thu hút đầu tư và những phát sinh từ thực tiễn trong quá trình thu hút và quản lý đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, đầu tư nước ngoài đã tạo tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Trong hai năm gần đây, gần 50 doanh nghiệp phụ trợ của Samsung là doanh nghiệp Việt Nam là những tín hiệu đáng khích lệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài đã nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp FDI thành công khi đầu tư vào Việt Nam.
Những bất cập và dư địa
Không thể phủ nhận những đóng góp của đầu tư nước ngoài 30 năm qua là rất to lớn và ấn tượng, song để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng và hiệu quả, đóng góp cho phát triển bền vững đất nước, cần chỉ ra những bất cập, những dấu hỏi cần lời giải đáp.
Những hiện tượng trốn thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp là những con sâu mà lâu nay chúng ta chưa thể loại trừ triệt để. Những dự án gây ô nhiễm môi trường, đã là bài học cảnh tỉnh rất đắt giá cho chúng ta.
Còn nữa, những dự án công nghệ rác, công nghệ lạc hậu vẫn tìm cách thâm nhập vào Việt Nam để lại những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu phát triển bền vững. Những vi phạm và tranh chấp lao động đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Việc chuyển giao và tiếp thu công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng kết quả rất hạn chế, không như kỳ vọng. Trong mấy năm gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia đã có mặt tại Việt Nam. Đây là thời cơ rất thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp nước ngoài tới các doanh nghiệp Việt, điển hình là phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, nếu nhìn sang các quốc gia khác như Trung Quốc, một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan… họ làm tốt hơn chúng ta.
Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp trong 30 năm qua không những không tăng trưởng mà còn chậm lai. Mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, song vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp còn rất hạn chế chỉ chiếm khoảng 1% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong thời kỳ đầu của đầu tư nước ngoài, phần lớn các dự án theo hình thức công ty liên doanh, song dần theo thời gian, các dự án liên doanh giảm dần.
Ngoài nguyên nhân thời gian đầu các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu đặt chân tới Việt Nam như chưa hiểu biết phong tục tập quán, khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, tiếp xúc với người lao động Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước… cần cán bộ người Việt Nam trong công ty để giải quyết.
Phải chăng còn những nguyên nhân khác. Nếu chúng ta có nhiều công ty liên doanh thì việc chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tạo liên kết lan tỏa, tuân thủ pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động… sẽ thuận lợi hơn.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức. Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Cần có các giải pháp tận dụng và gắn kết đầu tư nước ngoài với cuộc cách mạng này.
Với quyết tâm của Chính phủ đổi mới, kiến tạo và hành động, chúng ta đang có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và minh bạch hơn cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động và phát triển.
Bước sang năm 2018, một chu kỳ mới, động lực mới, bước phát triển mới và vận hội mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Văn Toàn
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi