Đường Lâm - ngôi làng hơn nghìn tuổi của Hà Nội
Cổng và đình làng Mông Phụ
Nếu có một cánh cổng làng đặc trưng Bắc Bộ nào với đường làng, cây đa, giếng nước, ao đình, lũy tre xanh và cánh đồng lúa mênh mông… được thể hiện trên tranh, trên gỗ, trên ảnh nhiều nhất thì chắc chắn đó sẽ là cổng làng Mông Phụ của Đường Lâm. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng theo kiểu Thượng gia hạ môn có nghĩa “dưới là cổng, trên là nhà”. Cổng làng mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa thời nhà Lê với những chiếc hoành tròn gác trên hai bộ vì “chồng giường, kẻ truyền” tạo nên hai mái cân kiểu nhà tiền tế.
Cổng làng Mông Phụ không chỉ đơn thuần là một cánh cổng mà nó còn là một chiến lũy thực sự bằng gỗ lim dày 15cm với những hàng đinh chắc chắn. Ngày xưa, hai bên cổng là ao và con đường vào làng là con đường độc đạo với cánh cổng đóng kín khi qua giờ Dậu (sau 19:00). Sau giờ này, người ra vào làng phải gọi tuần đinh ngồi trong “điếm canh” cách cổng làng chừng 50m để được mở cửa.
Hai cánh cổng bằng gỗ lim dày, nặng xưa kia được đóng lại lúc 19:00 hàng ngày để bảo vệ dân làng.
Đình Mông Phụ thờ Thành hoàng Đức Thành Tản (Tản Viên Sơn Thánh), được xây dựng trên một khu đất trung tâm và cao nhất của làng. Đình không có tường vách ngăn che, tất cả đều để trống, chỉ một lan can có chấn song hình con tiện bao quanh ba mặt đến tường của Hậu cung. Đình Mông Phụ được xây dựng lần thứ Nhất vào thời Lê Trung Hưng trên xà thượng trong cùng thượng điện còn khắc chữ "Tuế Thứ Quý Tỵ niên chính nguyệt nhị thập bát nhật - Mão thời thụ trụ thương nương đại cát vượng". "Năm Quý Tỵ tháng một, ngày hai mươi tám giờ mão" năm 1533, lần thứ hai xây dựng vào năm 1859.
Đình làng Mông Phụ được xây dựng năm 1533, cách đây gần 500 năm
Đình có kiểu dáng kiến trúc chữ Đình (T), quy mô to lớn, hoành tràng, trạm khắc tinh xảo. Đình Mông Phụ còn giữ 18 đạo sắc phong, đạo sắc phong có niên hiệu đời Vua Thần Tông Hiệu Vĩnh Thọ năm thứ Ba năm 1660 là đạo sắc phong cổ nhất. Ngày 20/5/1991 Bộ Văn hóa Thông tin nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có Quyết định số 866/VH-QĐ công nhận Đình Mông Phụ là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Ngôi đình đã được xây dựng cách đây gần 500 năm, mang đậm nét kiến trúc Việt - Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất chừng 30cm.
Đình làng không có tường rào, chỉ có một chỉ một lan can thấp bằng đá ong vây quanh
Trước mặt đình là một ngã 6 khiến tất cả mọi người khi đi qua đình làng không ai có thể thực sự quay lưng vào cổng đình, một thiết kế độc đáo và tinh tế của người Đường Lâm xưa. Có thể nói, đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến trúc Việt, tạo nên một ngôi đình không giống với bất kỳ ngôi đình ở nơi nào khác.
Vật liệu xây dựng độc đáo, bền vững ngàn năm
Vì sao những ngôi nhà ở Đường Lâm có thể bền vững sau 300, thậm chí hơn 400 năm như nhà cổ ông Hùng? Bí quyết là ở chỗ, vật liệu xây dựng chính nên các ngôi nhà ở Đường Lâm là đá ong. Cấu tạo chủ yếu của đá ong là nhôm và sắt, thông thường có màu vàng hay màu nâu đỏ bởi nó chứa hàm lượng oxit sắt rất cao. So với các loại đá tự nhiên khác như đá xanh, đá hoa cương… thì đá ong giòn hơn vì kết cấu xốp, bề mặt rỗ. Tuy nhiên có thêm đặc tính dẻo và độ co giãn thấp nên đá ong vẫn chống chọi tốt với mọi loại hình thời tiết.
Cổng vào nhà cổ ông Hùng bằng đá ong, ngôi nhà được xây dựng năm 1649 vẫn đang thách thức thời gian
Đá ong còn có thêm một đặc điểm nổi trội nữa đó là hấp thu nhiệt độ kém và tỏa nhiệt nhanh thế nên những công trình sử dụng đá ong sẽ đem lại không gian mát mẻ vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông. Đi trên những con đường làng nhỏ hẹp, sạch sẽ của Đường Lâm, giữa những bức tường đá ong hàng trăm năm tuổi trầm mặc, ta như được quay ngược thời gian về một nước Việt cổ xưa, như nghe trong âm vang tiếng voi của vua Ngô Quyền đang buộc bên rặng duối cổ.
Giếng cổ gần 500 tuổi cạnh đình làng Mông Phụ
Giữa những con đường làng hình xương cá tỏa theo trục chính làng, có những không gian bất ngờ mở ra với một chiếc giếng cổ. Không ngoại lệ, các giếng này cũng được lát thành giếng bằng đá ong, sạch sẽ, nước trong vắt, lấp lánh bầu trời xanh trong làn nước sâu thẳm. Có những chiếc giếng tạo hình cầu kỳ đúng hình một cụ rùa đang đội cái giếng trên mai, có những giếng to, rộng ngay cạnh đình làng Mông Phụ có tuổi đời gần 500 năm vẫn cho những dòng nước ngọt ngào.
Tác giả bên cạnh chiếc giếng cổ với bia đá ghi năm tạo tác 1833 với hình cụ Rùa độc đáo
Ngôi nhà gần 400 năm của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (51 tuổi, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) đã qua 12 đời sinh sống. Trải qua nắng mưa, ngôi nhà vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, cổng nhà được xây bằng đá ong. Ngôi nhà chính được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ. 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên, bên cạnh bài trí bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ.
Ngôi nhà cổ 400 năm tuổi trải qua 12 thế hệ vẫn đang sừng sững với thời gian
3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên
Hãy ngồi một chút trên chiếc chõng tre sậm màu thời gian được đặt dưới bóng lũy tre rì rào, nhắm mắt lại và dường như trong gió có những lời thì thầm của ngôi làng cổ tích Đường Lâm kể với bạn nghe lịch sử hơn ngàn năm của mình.