Giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới
Với số liệu cụ thể trên, trong chưa đầy nửa năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu chủ lực. Đây rõ ràng là một nghịch lý, bởi lẽ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thế giới, đặc biệt là hiện tượng El Nino đã khiến ngành sản xuất lúa gạo của thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến giá gạo thế giới tăng từng ngày. Bên cạnh đó, việc Ấn Độ tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng khiến giá gạo thế giới chỉ tăng chứ không giảm. Vậy nguyên nhân từ đâu xảy ra vấn đề này?
Sự khôn ngoan của Indonesia
Từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi tháng, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) đều mở thầu mua 300.000 tấn gạo. Nhưng trong đợt công bố mở thầu tháng 5/ 2024 này, Bulog đã thất bại khi chỉ mua được một nửa số lượng đấu thầu vì nguyên nhân giá chào thầu quá thấp. Theo đó, có hai doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu là Công ty Đại Tài (Công ty thành viên của Tập đoàn Lộc Trời) với 60.000 tấn gạo với giá 563 USD/ tấn, thấp hơn 16 USD /tấn so với giá chào thầu và Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn gạo. Khoảng 60.000 tấn gạo còn lại từ các Công ty gạo tại Pakistan và Myanma với giá tương đương. Theo một thông tin khác, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan cũng tham gia chào thầu 3 lô mỗi lô 30.000 tấn với các mức giá thấp nhất là 649 USD/tấn. Các mức giá còn lại là 656,58 và 658,5USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái Lan đã đoàn kết và kiên quyết không giảm giá khiến kế hoạch mua 300.000 tấn gạo của cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) thất bại và sẽ phải mời lại thầu trong thời gian tới.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 574 USD/tấn nhưng Lộc Trời bán với giá 563 USD/tấn cho Indonesia.
Tuy nhiên, sự bất thường ở đây không chỉ vì các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Thái lan không bán một cân gạo cho Indonesia vì giá thấp mà còn chính ở nguyên nhân giá trúng thầu của Lộc Trời còn thấp hơn giá bán nội địa của Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố giá gạo nội địa tại Việt Nam tháng 4/2024 là 587 USD/ tấn. Nghĩa là, nếu Lộc Trời mua gạo tại Việt Nam theo giá VFA công bố, bán cho Indonesia với giá 563 USD/ tấn thì Tập đoàn này sẽ lỗ tới 24 USD/ tấn. Và thương vụ bán gạo cho Bulog đã lỗ 1.440.000 USD, 36 tỷ đồng, ngay từ khi ký Hợp đồng, chưa kể các chi phí logistic, quản lý, lãi ngân hàng…
Nắm bắt thế yếu của người bán, khối lượng mua không hạn chế, thanh toán sòng phẳng nên Indonesia đã khôn ngoan “nắm đằng chuôi” trong thương vụ, bắt buộc các Công ty Việt Nam phải chấp nhận một thương vụ lỗ ngay từ đầu.
Thiếu chế tài xử lý
Lẽ dĩ nhiên, với một Tập đoàn kinh tế tư nhân, việc mua bán, lời hay lỗ là việc của Tập đoàn và các cổ đông nhưng rõ ràng, việc giá chào thầu gạo thấp của Indonesia là một sự tính toán khôn ngoan, lọc lõi trong kinh doanh của nước này vì Việt Nam trúng vụ lúa, các Công ty thu mua của Việt Nam đầy kho hàng, chịu sức ép phải trả tiền cho nông dân, từ ngân hàng nên phải bán gạo ra bằng mọi giá.
Thông tin vể việc Lộc Trời chịu sức ép từ nông dân đã xuất hiện từ tháng 4/2024 khi các báo tại Việt Nam đồng loạt đăng thông tin tập đoàn này đang nợ nông dân các tỉnh miền Tây với số tiền gần 500 tỷ đồng. Nguyên nhân là từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư, dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000ha tại khu vực ĐBSCL. Đến giữa tháng 4/2024, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỉ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn ở các địa phương. Tuy nhiên, tổng số tiền đã trả chỉ hơn 2.000 tỉ đồng, còn lại vẫn thiếu của nông dân. Phải đến khi, Lộc Trời được TPBank chấp nhận cho vay thì Tập đoàn này mới hoàn tất việc thanh toán cho nông dân và thông tin công khai về việc xin lỗi người nông dân.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan luôn đoàn kết, giữ vững hình ảnh thương hiệu gạo Thái Lan, khác với cách làm của một số doanh nghiệp Việt Nam.
Nhưng vụ việc Lộc Trời phá giá thị trường gạo thế giới để có được đơn hàng 60.000 tấn gạo có vi phạm về pháp luật hiện hành là câu hỏi nhiều người quan tâm. Câu trả lời hiện nay mới chỉ đến từ Công văn hỏa tốc ngày 30/5/2024 của Bộ Công thương trong đó chỉ có một cụm từ “có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh”. Ngoài ra, chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về hành vi cụ thể này của Lộc Trời. Phía tập đoàn này cũng đã có Thông cáo báo chí lý giải về hành vi chào giá gạo thấp này vì họ có vùng nguyên liệu rộng lớn, nhiều nhà máy xay sát lúa gạo khắp nơi, quy trình từ mua lúa, xay sát, đánh bóng, đóng gói sản phẩm đến bán gạo thành phẩm không qua trung gian nên giảm giá thành sản phẩm… Tóm lại, đây là việc bán với giá nào là quyền tự quyết của doanh nghiệp và rõ ràng chúng ta không có chế tài nào để có thể xử lý hành vi của Lộc Trời.
Liên quan đến ngành xuất khẩu gạo hiện nay, Việt Nam có Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Hiệp hội ngành hàng lúa gạo. Qua sự việc này, rõ ràng, hai hiệp hội cần phát huy vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp khác cũng như bảo vệ hình ảnh của hạt gạo Việt Nam trên bình diện quốc tế. Chúng ta cần tìm ra những giải pháp để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững, đảm bảo lợi ích ba bên nông dân, doanh nghiệp và hình ảnh ngành hàng lúa gạo Việt Nam.