Giá tăng mạnh nhưng ngành Cà phê vẫn gặp khó
Số liệu trong quý I/2024 của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho thấy, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD.
Số lượng nói trên ghi nhận mức tăng trưởng khá “khiêm tốn” ở mức 4,9%, tuy nhiên, giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ. Cụ thể, trong quý I/2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.288 USD/tấn, tăng 47% so với mức 2.222 USD/tấn ghi nhận tại cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng vừa qua, Việt Nam trở thành nguồn cung cấp cà phê Robusta hàng đầu không chỉ về sản lượng mà còn về chất lượng. Tuy nhiên, ngành Cà phê đang đối diện với nhiều khó khăn không nhỏ trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá từ VICOFA, niên vụ 2022 – 2023, nguồn cung cà phê thiếu hụt trầm trọng trong khi nhu cầu đang tăng cao. Ước tính còn thiếu khoảng 1,5 – 2,5 triệu bao cà phê theo hợp đồng và cần được đáp ứng từ vụ thu hoạch cà phê tới đây.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung nên giá cà phê liên tục chạm đỉnh. Ghi nhận ngày 24/4, giá cà phê trong nước đạt khoảng 128.500 - 129.500 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2023.
Dù giá cao nhưng nhiều doanh nghiệp không còn hàng để bán, thậm chí nhiều hợp đồng xuất khẩu cà phê Robusta đang phải tạm dừng do thiếu hàng. Việc này, khiến nguồn cung khan hiếm mà còn khiến nhà sản xuất, chế biến cà phê mất đi khách hàng.
Cũng theo các chuyên gia từ VICOFA, việc thiếu nguồn cung cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà rang xay. Nguyên nhân là do hơn 30 năm qua tất cả các nhà rang xay lớn trên thế giới đều gắn với cà phê robusta của Việt Nam. Khi sản lượng của các niên vụ giảm thì hoạt động của họ cũng sẽ bị đình trệ ít nhiều.
Không chỉ khó khăn về sản lượng giảm, giá thu mua vào cao, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê dự kiến sẽ đối diện thêm khó khăn mới. Cụ thể, theo Công văn số 133/SPS-BNNVN của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, Mexico yêu cầu hạt cà phê xuất khẩu vào nước này phải giữ tại cửa khẩu để kiểm tra cho đến khi nhận được kết quả phân tích.
Nếu kết quả kiểm tra có đối tượng kiểm dịch, nhà nhập khẩu có thể chọn trả lại nơi xuất khẩu hoặc tiêu hủy. Nếu kết quả kiểm tra có côn trùng (không phải đối tượng kiểm dịch), có thể sẽ áp dụng biện pháp xử lý bằng hoạt chất Methyl bromide.
Việc sửa đổi quy định đối với cà phê hạt xuất khẩu vào Mexico dựa trên đánh giá nguy cơ của Cơ quan Dịch vụ chất lượng, An toàn và Sức khỏe - Nông nghiệp Thực phẩm Quốc gia (SENASICA).
Đồng thời, nước này gỡ bỏ 2 biện pháp: Yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải tuân thủ thủ tục lưu giữ, giám sát và tự chịu trách nhiệm; yêu cầu chẩn đoán kiểm dịch thực vật đối với nấm, vi khuẩn và cỏ dại.