Giải pháp cấp nước sạch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang
Trong những năm qua, lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đặc biệt quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai thực hiện các Chiến lược, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030-2045.
Bằng nhiều nguồn lực đầu tư khác nhau và sự chung sức chung lòng của các cấp lãnh đạo và người dân địa phương, đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam của tỉnh Kiên Giang đạt 64,4%. Trong đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 40,11 %, tăng 1,84% so với năm 2023 và đến năm 2025 dự kiến đạt là 48,79%; năm 2030 dự kiến đạt 57,32%).
Về tiến độ đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, đến nay Kiên Giang có 112/116 xã nông thôn mới; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 huyện, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, mới có 73/112 xã nông thôn mới đạt chỉ tiêu nước sạch, 10/19 xã nông thôn mới nâng cao và 4/7 huyện nông thôn mới nâng cao đạt chỉ tiêu này.
Trong quá trình thực hiện chỉ tiêu nước sạch, Kiên Giang gặp không ít khó khăn từ khách quan như hạn hán xâm nhập mặn, đến ô nhiễm nguồn nước, cũng như quy hoạch kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, sự quan tâm phối hợp của các cấp chính quyền và nhân dân trong công tác bảo vệ công trình cấp nước và hành lang an toàn khu vực lấy nước còn hạn chế và những khó khăn khác, ảnh hưởng đến hoạt động cấp nước, chất lượng nước.
Trong năm 2025 và những năm tới, để đảm bảo cấp nước sạch nông thôn theo định hướng của Trung ương và tỉnh Kiên Giang, đồng thời hoàn thành tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn Kiên Giang (Trung tâm) đề xuất với Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân tỉnh một số giải pháp. Theo đó, thứ nhất đề xuất tỉnh rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước; tổ chức triển khai, thực hiện quy hoạch nông thôn, công bố quy hoạch nước sạch nông thôn một cách đồng bộ với quy hoạch kết cấu hạ tầng khác như đường, cầu… theo Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh theo Quyết định số 1289/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Chính phủ.
Thứ hai, Trung tâm đề xuất tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư theo Nghị quyết 47/NQ-HĐND ngày 30/9/2024 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 nhằm đầu tư phát triển các công trình cấp nước tập trung cho các xã, huyện chưa đạt chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới. Các nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn cần được tiếp tục lồng ghép một cách hiệu quả nhất, đặc biệt là “Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” theo Quyết định 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề xuất thứ ba của Trung tâm với tỉnh là tăng cường công tác truyền thông và nâng cao năng lực trên các lĩnh vực: Chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về các tác động của môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch đến sức khỏe của con người và các hoạt động sản xuất; đa dạng hóa các hình thức truyền thông về cấp nước sạch nông thôn và xây dựng nông thôn mới, phát huy hiệu quả của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và các hình thức truyền thông mới nhằm tuyên truyền vận động người dân, các cấp chính quyền cùng chung tay phối hợp đảm bảo các công trình cấp nước tập trung hoạt động hiệu quả, an toàn… Thông qua các giải pháp đó để củng cố, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Giải pháp thứ tư, theo Trung tâm đề xuất là kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Tỉnh Kiên Giang cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân những vùng khó khăn về nguồn nước, nguồn nước bị ô nhiễm, không có quy hoạch xây dựng công trình cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án đầu tư./.