Nông thôn mới

Giải pháp nào cho liên kết chuỗi trong nỗ lực nâng cao giá trị nông sản Việt Nam

Minh Tú - 07:59 15/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Để có thể hoàn thiện một liên kết chuỗi giá trị hiệu quả cần thỏa mãn 2 điều kiện. Đầu tiên là các mắt xích phải hoạt động hiệu quả, qua đó người sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng suất để giảm chi phí, tăng lợi nhuận; doanh nghiệp phải hỗ trợ các thiết bị tiên tiến phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điều thứ 2 là phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp.

Gỡ bỏ rào cản hợp tác giữa doanh nghiệp và người nông dân

Đến nay, liên kết ngang được các chuyên gia kinh tế xem như là “lực đẩy” dòng sản phẩm nông sản ra thị trường. Bởi lẽ, để có thể cạnh tranh trên thị trường nông sản rất cần khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá cạnh tranh. Hộ nông dân cá thể không khó có đủ điều kiện để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự liên kết ngang trong sản xuất qua việc tham gia các tổ chức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác… Qua đó, các hộ nông dân có được sự thống nhất cao để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng cánh đồng lớn, từng trang trại hoặc vùng chăn nuôi với quy mô đủ lớn, đạt hiệu quả cao và có nhiều lợi thế trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Khi có sản phẩm rồi, vấn đề tiếp theo là cần phải tạo ra mối liên kết từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Và đó chính là liên kết dọc giữa nông dân với các doanh nghiệp (cung ứng vật tư đầu vào, sơ chế, chế biến, tiêu thụ đầu ra). Hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ này giúp tránh tạo ra các khâu trung gian làm thiệt hại cho người sản xuất như làm tăng chi phí đầu vào, giảm giá trị đầu ra… Liên kết dọc này đem lại lợi ích cho cả 2 phía liên kết. Nếu không có sự liên kết dọc, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang sẽ không đạt được lợi ích như mong muốn. Về phía doanh nghiệp, với liên kết này sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, giúp cho sản xuất ổn định, đảm bảo kế hoạch, phát huy được giá trị thương hiệu.

Ảnh: Mô hình liên kết Ngang – Dọc trong nỗ lực nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản

Đó là về lý thuyết, còn về thực tế, cho đến nay, doanh nghiệp và người nông dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Đa số các doanh nghiệp chỉ thu mua nông sản qua thương lái và nông dân cũng chỉ có thể thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân như, doanh nghiệp chưa đủ tin tưởng và tầm nhìn để đầu tư vào vùng nguyên liệu; các hình thức Kinh tế tập thể (KTTT) như Hợp tác xã, tổ hợp tác … ở các vùng nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ, dễ tan vỡ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân là một quần thể dễ bị tổn thương, mất lòng tin nếu đã gặp một chuyện không may, chính quyền chưa thật sự song hành cùng người dân trong vấn đề này, tài chính là rào cản lớn khó vượt qua ...

Giải pháp nào cho liên kết chuỗi

Đầu tiên, phải tạo được một hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động KTTT đang hình thành khá tự phát ở nông thôn hiện nay. Thực tiễn cho thấy, phát triển khu vực KTTT tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những khó khăn nội tại của các tổ chức KTTT như điều kiện kinh tế - xã hội của thành viên thấp, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ đa số còn yếu, cơ sở hạ tầng, vật chất, kỹ thuật của HTX nghèo nàn; các chính sách của Nhà nước về cơ bản chưa hỗ trợ được nhiều cho các HTX; các HTX gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách về vốn, đất đai, về khoa học công nghệ, thị trường... Một tổ hợp tác có thể luân phiên cùng nhau thu hoạch sản phẩm, nay nhà này, mai nhà khác nhưng nó rất dễ tan vỡ bởi các lý do con người, do mâu thuẫn. Nó không có sự ràng buộc pháp lý hay một cam kết có đủ các chế tài đi kèm để nếu thành viên nào rời khỏi nhóm sẽ chịu hậu quả …Trong khi đó, Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 20/ 6/ 2023 quá mới và cần có các văn bản cụ thể để hướng dẫn triển khai, đi vào cuộc sống.

Tiếp theo cần phải có một sự hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu hay còn cách gọi khác là “đòn bẩy tài chính” để giúp HTX phát triển. Để một HTX ra đời, hoạt động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong liên kết ngang thì việc hỗ trợ hợp tác xã ở giai đoạn đầu mới thành lập là tương đối quan trọng. Đặc biệt, việc Nhà nước tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để HTX có thể tiếp cận tín dụng cũng có thể coi là biện pháp hỗ trợ quan trọng. Điều này giúp HTX có được đòn bẩy tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh, nhưng không triệt tiêu những nguyên tắc cơ bản của mô hình HTX, đặc biệt là nguyên tắc tự lực.

Một nội dung khác liên quan đến việc phân phối lại thu nhập từ thặng dư cho thành viên HTX. Ở đây, thặng dư được tính là doanh thu từ các giao dịch giữa HTX và thành viên. Việc hoàn trả số tiền hay lợi nhuận phân phối theo mức độ sử dụng dịch vụ có thể được ghi nhận theo các quy định trong điều lệ của từng HTX. Vấn đề phân chia lợi nhuận không công khai, bình đẳng sẽ dẫn đến hậu quả một HTX tan vỡ, ảnh hưởng đến hoạt động của chuỗi.

 

Để khuyến khích tăng gia sản xuất, tạo “đòn bẩy tài chính” cho hoạt động KTTT,  Chính phủ thường xuyên kêu gọi các tổ chức tài chính, ngân hàng mang đến những phương thức cho vay hộ nông dân phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Hiện nay, được sự khuyến khích của Nhà nước, các ngân hàng liên tục có các chương trình ưu đãi lãi suất hấp dẫn dành cho các gói vay kinh doanh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

Với các hộ nông dân, tổ chức KTTT là Hội viên Hội Nông dân Việt Nam thì có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhanh, hiệu quả của Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Khoản 1, Điều 3 Nghị định 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 đã quy định rõ: "Quỹ Hỗ trợ nông dân là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc cơ quan Hội Nông dân các cấp; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này". Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được thành lập, hoàn thiện tư cách pháp nhân ở 63/63 tỉnh, thành phố và hàng trăm Quỹ HTND cấp huyện. Hoạt động Quỹ HTND đã góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhất là về xóa đói giảm nghèo và hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, tạo điều kiện nông dân liên kết, hợp tác phát triển kinh tế, làm giàu, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh…

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác