Gìn giữ, phát triển giống lúa nếp cái hoa vàng Yên Phụ
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Như Khoa cho biết: Xuất phát từ việc địa phương có truyền thống trồng lúa nếp cái hoa vàng, Hội Nông dân xã Yên Phụ đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ để các Hợp tác xã và hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển canh tác và sản xuất gạo nếp cái hoa vàng, trong đó, tập trung tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những phương pháp mới vào sản xuất, để nâng cao năng suất, sản lượng lúa, hạn chế sâu bệnh; liên kết trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường…
Nhờ có hướng đi đúng, và sự hỗ trợ kịp thời của Hội Nông dân nên việc phục tráng và phát triển thương hiệu “nếp cái hoa vàng” được Hợp tác xã và nông dân Đức Lân thực hiện bài bản, khoa học, coi đây là trách nhiệm trong việc việc giữ gìn và phát triển thương hiệu giống lúa quý truyền thống.
Ông Tô Như Khoa cùng Ban Quản trị HTX thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa.
Nếp cái hoa vàng Yên Phụ được biết đến là giống lúa truyền thống được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa để lại, được dùng để làm các loại bánh và hương liệu sản xuất ra loại rượu nếp hảo hạng để tiến vua. Gạo có đặc trưng hạt ngắn, hình dáng hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm nhẹ. Sau khi nấu thành cơm (xôi) nếp cái hoa vàng sẽ cho hạt căng, nở đều, ráo nước, mềm, dẻo, khi ăn có vị đậm, ngậy thơm và được chế biến thành nhiều món như xôi, cốm, bánh chưng, nấu rượu…
Ông Tô Như Khoa cho biết thêm: Định kỳ 3 năm 1 lần, hạt giống được Viện Nghiên cứu cây trồng Trung ương nghiên cứu, phục tráng lại đảm bảo không lai tạo từ các giống khác và nâng cấp chất lượng gạo sau khi phục tráng cao hơn trước. Người dân sử dụng giống lúa thuần và phải tuân thủ theo những kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch rất tỉ mỉ. Hiện nay, HTX đang trồng và chăm sóc theo hướng VietGAP để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ vậy khi thu hoạch được hạt gạo đều, không gẫy, tỷ lệ tấm thấp, hàm lượng protein và một số axit amin cao, được người tiêu dung ưa chuộng.
Liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Ông Tô Như Khoa chia sẻ: Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đức Lân, ông luôn đau đáu trong một suy nghĩ là làm sao để lưu giữ và phát triển hơn nữa giống lúa “nếp cái hoa vàng” của quê hương. Đối với ông, phát triển sản xuất không chỉ là phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân mà giữ gìn “nếp cái hoa vàng” là thương hiệu, là hương vị riêng của quê hương.
Nhận thấy người dân trong thôn canh tác lúa manh mún, kém hiệu quả, trong việc liên kết các hộ dân để xây dựng cánh đồng mẫu lớn trở thành xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, năm 2017, ông Khoa đã vận động người dân trong thôn góp đất, góp vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân do ông làm Giám đốc.
Ông Khoa cho rằng, việc thành lập Hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu “nếp cái hoa vàng” của địa phương. Đến nay, Hợp tác xã đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia liên kết sản xuất trên diện tích gần 60ha, với doanh thu 6,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm Hợp tác xã thu lãi trên 2,5 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, Hội Nông dân xã Yên Phụ còn hướng dẫn, hỗ trợ thành lập Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trồng lúa ở tại thôn Đức Lân với 10 thành viên. Tổ Hội được thành lập với mục đích tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất lúa nếp cái hoa vàng trong thôn. Các thành viên hoạt động theo nguyên tắc “5 tự, 5 cùng” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ). Trong quá trình sản xuất, 10 thành viên nòng cốt này chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện tại từng hộ thành viên, có ghi nhật ký cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, thời gian bón phân, chăm sóc lúa…
Bao bì sản phẩm Nếp cái hoa vàng Yên Phụ.
Thành công của Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; vận động bà con lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do họ còn hoài nghi về hiệu quả kinh tế, nhất là việc phải ghi chép nhật ký, tuy nhiên, hiệu quả từ thực tế đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
“Yếu tố quyết định đến sự thành công của Hợp tác xã là xã viên trong thôn đã bỏ được phương pháp canh tác manh mún, thuận theo tự nhiên, kinh nghiệm, sang sản xuất quy mô lớn, theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế, cả cánh đồng mẫu hơn gần 60ha được xuống giống, chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu cho tới thu hoạch cùng thời điểm. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng hạt gạo, tránh rủi ro của thời tiết, Hợp tác xã đã đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát công nghệ cao trị giá 7 tỷ đồng, giúp người dân yên tâm hơn trong khâu thu hoạch.” - ông Khoa cho hay.
Theo ông Chu Văn Vịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phụ, nhờ những kết quả đã đạt được, Hợp tác xã Nông nghiệp Đức Lân vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc. Hiệu quả từ mô hình hoạt động của Hợp tác xã đã mang lại thu nhập ổn định cho xã viên, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nông sản chủ lực, phát huy thế mạnh địa phương