Nông thôn mới

Sâm khoai - Cây trồng có giá trị kinh tế cao ở Đồng Văn

Minh Tú - 07:15 20/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Xác định mục tiêu đưa cây sâm khoai trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, ngay từ đầu năm 2023 huyện Đồng Văn đã đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn huyện tập trung trồng trên 34ha tại các xã, thị trấn. Cách làm đó đã chứng minh được hiệu quả khi bắt đầu vào vụ thu hoạch cây sâm khoai.

Sâm khoai – cây giảm nghèo mới ở Đồng Văn

Cây sâm khoai hay còn gọi là củ sâm đất thường được biết với tên gọi khác là Yacon hoặc Hoàng Sin Cô, mọi người gọi bằng tên sâm khoai vì nó trông rất giống với củ khoai lang. Cây sâm đất có nguồn gốc từ Trung Mỹ, nó là một loại thực phẩm rất lâu đời tại đây. Nhưng khi vào Việt Nam, nó lại được nhập từ vùng Tân Cương, Trung Quốc và được gọi là Hoàng Sin Cô hay chỉ đơn giản là Sâm khoai.

Theo Đông y, củ sâm khoai có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm đau và sưng viêm khớp

Cây sâm khoai có thân và lá nhìn gần giống cây Dã quỳ, gốc mọc nhiều thân, cao hơn đầu người, mỗi gốc mọc ra nhiều củ giống như cây sắn. Sau ba năm thử nghiệm, bây giờ cây sâm khoai đã là đặc sản nổi tiếng ở Hà Giang, đặc biệt tại huyện Đồng Văn. Củ sâm khoai tuy có về ngoài giống khoai lang nhưng bên trong có màu vàng nhạt, có mùi hơi giống nhân sâm. Ăn sống thì sẽ thấy vị ngọt mát, nước nhiều. Khi nấu canh thì dẻo thơm và có vị ngọt thanh mát, có mùi thoang thoảng của nhân sâm. Cây sâm khoai được trồng vào cuối tháng 2 và cho thu hoạch vào tháng 12 hàng năm. Sau 10 tháng, mỗi gốc sâm khoai cho thu hoạch khoảng 10 - 15 kg củ, trung bình năng suất đạt từ 45 - 50 tấn/ha, trừ chi phí đem lại lợi nhuận từ 450 - 500 triệu đồng/ha.

Theo Đông y, củ sâm khoai có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, lợi tiểu, nhuận tràng, giảm đau và sưng viêm khớp. Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, củ sâm khoai có chứa nhiều chất fructooligosaccharide, thường được gọi tắt là FOS. Chất này giúp cơ thể không hấp thụ đường đơn, giảm hàm lượng glucose trong gan, tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể, hỗ trợ điều trị cho những người bị tiểu đường. Không những thế, chất FOS còn giúp làm cho cơ thể mau no, đẩy nhanh quá trình bài tiết nên có thể giúp hỗ trợ giảm cân cực kỳ hiệu quả.

Ở Cao nguyên đá Đồng Văn, cây sâm khoai được trồng vào cuối tháng 2 và cho thu hoạch vào tháng 12 hàng năm

Dân gian thường lấy củ ngâm rượu uống hoặc ăn sống, hay nấu chín giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan. Sâm khoai là cây dễ trồng, không có sâu bệnh hại. Để cây sai củ, cho củ to và đồng đều, khi trồng cần giữ khoảng cách giữa các cây từ 70 - 80 cm, hàng cách hàng 80 - 100 cm, tạo rãnh thoát nước không để ngập úng, chọn củ giống khỏe, không bị dập nát.

Năm 2023, huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, xác định diện tích và tổ chức trồng trên 34ha cây sâm khoai trong vụ Xuân Hè. Trong đó, cây sâm khoai được trồng tập trung tại các xã đã hình thành thương hiệu và mang lại hiệu quả từ những niên vụ trước như tại các xã Tả Lủng, Phố Cáo, Sảng Tủng, Phố Bảng và thị trấn Đồng Văn. Đồng thời, huyện cũng tổ chức lồng ghép kinh phí hỗ trợ theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó tập trung hỗ trợ về giống, phân bón với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng.

Thời gian tới, huyện Đồng Văn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng sâm khoai qua đó góp phần nâng cao thu nhập từng bước giảm nghèo bền vững cho người dân.

Hợp tác xã bao tiêu sâm khoai

Nói về cây sâm khoai thì không thể không nhắc tới đơn vị thu mua và tiêu thụ loại cây này ở Đồng Văn, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Po Mỷ. Tốt nghiệp thạc sĩ luật học, từng đoạt giải nhất cuộc thi Người đẹp miền cao nguyên đá, Lưu Thị Hòa có nhiều cơ hội làm việc ở những vị trí tốt. Nhưng với khát khao tạo ra lợi ích, giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, quê hương và giúp đồng bào dân tộc thiểu số xoá đói giảm nghèo, cô gái trẻ người dân tộc Cờ Lao ở Đồng Văn, Hà Giang - đã quyết tâm về bản khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Sau nhiều năm tâm huyết, đến nay HTX có 8 thành viên và 50 hộ liên kết. HTX bao tiêu cho bà con 3 nhóm sản phẩm gồm: Mật ong bạc hà, lê và sâm đất. Sản phẩm sâm khoai của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Ngoài ra, HTX còn có hoạt động thương mại đó là bán phân phối sản phẩm cho các DN, HTX khác trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh Hà Giang.

Người đẹp miền cao nguyên đá, Lưu Thị Hòa, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ

HTX đứng ra sản xuất và hỗ trợ thu mua các đặc sản của người dân về sơ chế, đóng gói như thịt trâu gác bếp, thịt ba chỉ gác bếp, mận. HTX còn sản xuất các sản phẩm chế biến như phở sâm khoai Tà Lủng, bánh sâm khoai…. Doanh thu của HTX vào khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 8 lao động thường xuyên với mức lương trung bình từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng và mở ra hướng đi để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh cách bán hàng truyền thống, Hoà còn áp dụng các kênh bán hàng hiện đại như shoppee; Lazada; Tiktock. Trong đó, cô đóng vai trò chủ đạo trong việc quay video, bán hàng. Theo Chủ nhiệm HTX Po Mỷ, 70% sản phẩm tiêu thụ được thông qua các kênh bán hàng online này.

Chia sẻ về đinh hướng trong thời gian tới, Hoà cho biết, định hướng của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ là chế biến các sản phẩm nông sản, nâng tầm sản phẩm. Vì thế cô mong muốn mong muốn nhận được sự hỗ trợ đầu tư nghiên cứu sản xuất cũng như máy móc để có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm chế biến chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và nhu cầu tiêu dùng. HTX đã kiến nghị đến Sở Khoa học công nghệ Hà Giang tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện Dự án nghiên cứu chế biến đối với sản phẩm sâm khoai trong thời gian tới.

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác