Lai Châu phát triển trồng cây sâm dưới tán rừng
HTX đi đầu nghiên cứu trồng sâm theo hướng thuận tự nhiên
Xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ có độ cao 2.000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, độ ẩm không khí lớn, mưa nhiều. Tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên trên địa bàn xã chiếm 70% diện tích đất tự nhiên, thực vật phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều giống thuốc quý hiếm. Với đặc điểm tự nhiên, khí hậu , thổ nhưỡng của xã Xà Dề Phin, HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ (bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn), là HTX đầu tiên trong huyện Sìn Hồ phát triển trồng sâm Lai Châu dưới tán rừng. Hợp tác xã đã phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện Sìn Hồ sử dụng vườn ươm tại bản Mao Xà Phìn để ươm giống Sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh và Tam Thất bắc.
Theo chân anh Nguyễn Trần Văn, Giám đốc HTX vào thăm khu gây nuôi sâm dưới tán rừng mới thấy hết được sự gian lao, tỷ mẩn, kiên trì trong chăm sóc loài cây quý này.
Anh Văn chia sẻ: Ban đầu, HTX phải tìm mua lại từng cây giống của người dân ở các thôn, bản. Sau nhiều năm gây nuôi, hiện HTX đã có hơn 1.000 cây bố mẹ từ 3 - 5 tuổi, 10.000 cây 2 năm tuổi. Đây là cơ sở để hợp tác xã và nhân dân có nguồn giống cây sâm Lai Châu bản địa để phát triển nuôi trồng đại trà dưới tán rừng trên địa bàn xã Xà Dề Phìn và các xã lân cận, vừa tạo công ăn việc làm, người nông dân có thêm thu nhập, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
"Giống sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh do hợp tác xã Sâm Tam Thất Sìn Hồ ươm trồng đều là giống F1 có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu công nhận. Đây là địa chỉ tin cậy để doanh nghiệp và nông dân có nhu cầu phát triển cây sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh dưới tán rừng liên hệ để mua giống. Hiện nay, Hợp tác xã đã cung cấp cho một số xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu", anh Văn cho hay.
Cũng theo anh Văn thông tin, trồng sâm dưới tán rừng có thể gọi là hình thức canh tác hữu cơ đúng nghĩa, vì ngoài các công đoạn phải làm bằng tay thì không còn sự can thiệp chất hóa học nào khác vào quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sâm. Trước đây, để sản xuất cây giống với số lượng lớn, HTX phải xây dựng vườn ươm có hệ thống mái che, hệ thống tưới tự động.
Theo phân tích của anh Văn, cây sâm được trồng phải sử dụng loại đất mùn trong tự nhiên (không dùng phân bón để tăng dinh dưỡng cho đất vì khi dùng cây rất dễ nhiễm khuẩn). Cây sâm để lấy hạt giống được chọn lọc kỹ lưỡng, phải đạt từ 4 năm tuổi trở lên (đối với cây gieo từ hạt), 2 năm trở lên (đối với cây trồng từ đầu mầm), không bị sâu bệnh, tổn thương cơ giới hoặc các tổn thương khác... Sâm không đòi hỏi quá nhiều nước, nếu gặp mưa lớn, ngập úng dễ bị thối củ. Do đó, khi trồng dưới tán rừng sẽ tận dụng được bóng che tự nhiên, độ thoát nước tốt. Bên cạnh đó, khi trồng tự nhiên, cây sâm có điều kiện “ăn gió, ăn sương” nên bộ rễ phát triển khỏe mạnh, hàm lượng saponin cao.
Hiện HTX cũng đang thử nghiệm một diện tích nhỏ việc trồng sâm sử dụng phân bón hữu cơ. Khi có kết quả sẽ so sánh đối chiếu với sâm trồng tự nhiên, nếu chất lượng, các dược tính không thay đổi thì sẽ nghiên cứu nhân rộng cho các thành viên và các hộ liên kết trồng.
“Sâm Lai Châu mặc dù thời gian cho thu hoạch có thể dài, nhưng tiềm năng, giá trị kinh tế lại rất lớn. Nếu nhân rộng thành công thì chẳng những HTX có điều kiện lớn mạnh mà đời sống của từng hộ dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng sẽ đổi khác. Hàng năm, Hợp tác xã có thu nhập bình quân là 800 triệu đồng; hiệu quả kinh tế đem lại trên diện tích trồng sau khi trừ chi phí là 20 triệu đồng/100m2”, anh Văn khẳng định.
Để Sâm Lai Châu vươn xa
Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu mạnh dạn đầu tư, liên kết thực hiện nhân giống, bảo tồn, phát triển sâm Lai Châu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm đầu tư phát triển cây sâm Lai Châu.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045, trong đó có cây sâm Lai Châu. Tỉnh Lai Châu đã triển khai rà soát, đánh giá và xác định được trên 30.000ha có điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển sâm Lai Châu, trong đó có 17.000ha rất thích hợp để phát triển.
Theo kế hoạch đến năm 2030, 100% diện tích sâm tự nhiên của Lai Châu sẽ được quản lý bảo tồn. Tỉnh đầu tư xây dựng 7 cơ sở sản xuất giống với 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, phát triển vùng sâm tập trung trên 3 nghìn héc ta, xây dựng một nhà máy chế biến chuyên sâu…; đến năm 2045, mở rộng vùng trồng lên trên 10 nghìn héc ta, xây dựng thêm nhà máy chế biến nhằm chế biến sâu khoảng 30% sản lượng sâm hàng năm…
Tỉnh Lai Châu cũng đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản sâm Lai Châu. Xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu" cho sản phẩm sâm củ tươi được trồng tại tỉnh và đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định để cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Lai Châu"…
Lai Châu đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu đã đặt ra bằng sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp; sự giúp đỡ tâm huyết của các nhà khoa học và quyết tâm của người dân, Hợp tác xã và Doanh nghiệp để phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cùng chung tay đồng lòng phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu.
Để cây sâm xứng tầm với đúng giá trị của nó và thực sự vươn xa, tỉnh Lai Châu cũng đang tiếp tục cùng với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp, trải thảm đỏ mời gọi các Nhà đầu tư.