Học hỏi làm giàu

Bán hàng online - cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề hiệu quả

Hương Giang - 07:56 10/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã tạo cơ hội để các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề tăng cường quảng bá, bán hàng trực tuyến, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, việc bán hàng online đã khá phổ biến, nhưng trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ vẫn có rất ít cơ sở tham gia bán hàng theo hình thức này.
Thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, nhiều mặt hàng có giá trị cao do các nghệ nhân làng gốm Chu Đậu (Hải Dương) sáng chế được đông đảo khách hàng biết đến, đặt mua.

Bán hàng online chưa phổ biến trong các làng nghề thủ công 

Hiện các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề cũng đã thấy rõ những ích lợi của việc bán hàng online so với cách bán hàng truyền thống. Đầu tiên là đỡ hẳn chi phí đầu tư cho các trang bị nội thất trưng bày sản phẩm, điện, nước, thuê người bán hàng, thuê cửa hàng... Tiếp đến là việc giới thiệu sản phẩm thuận tiện hơn, khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể xem được sản phẩm qua hình ảnh, đọc thông tin về sản phẩm, về cơ sở và biết được địa chỉ có thể trực tiếp xem sản phẩm thật và các điều kiện cụ thể mua hay đặt hàng như giá cả, thời gian giao hàng, vận chuyển, chế độ bảo hành… Uy tín của các nghệ nhân, danh tiếng của làng nghề và các giải thưởng mà sản phẩm đã từng đạt được cũng là những lợi thế thúc đẩy khách hàng lựa chọn.

Theo họa sĩ Vũ Hy Thiều - chuyên gia lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, những cơ sở đã thực hiện bán hàng online cho thấy hình thức này hiệu quả hơn bán hàng trực tiếp rất nhiều, số người quan tâm tìm hiểu về sản phẩm của các cơ sở tăng hơn hẳn, có người tìm thấy sản phẩm ưng ý để đặt mua ngay, nhưng cũng có nhiều người tiếp tục theo dõi để chờ đợi những sản phẩm phù hợp hơn. Cá biệt có khách hàng đưa mẫu hàng mới với hình thức tương tự đến đặt hàng, dần tạo mối quan hệ thường xuyên giữa các cơ sở sản xuất với khách hàng và việc bán hàng ngày càng ổn định.

“Hiện nay, bán hàng online đã thực sự có lợi hơn hẳn bán hàng trực tiếp, nhưng việc bán hàng online vẫn chưa phổ biến trong các làng nghề thủ công do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là phần lớn các nghệ nhân trong làng nghề chậm tiếp cận với công nghệ thông tin, họ quen bán trực tiếp cho khách hàng tại nhà hoặc tại các hội chợ triển lãm, sự giao dịch trực tiếp với khách hàng giúp họ dễ dàng giới thiệu sản phẩm và quyết định giá cả hơn. Rất ít nghệ nhân có con, cháu biết các kỹ năng kinh doanh trên mạng và không dám nhờ người ngoài vì thiếu tin tưởng… Một số nghệ nhân lại sợ mẫu hàng của mình cùng với những thông tin kèm theo dễ bị cơ sở khác lợi dụng khai thác, nhất là đối với mẫu sản phẩm mới hay sản phẩm độc đáo. Họ còn chưa quen với đóng gói, với dịch vụ vận chuyển đến tay khách hàng. Nhiều người luôn muốn điều chỉnh giá cả sản phẩm khi thấy có lợi hơn” - họa sĩ Vũ Hy Thiều nhận xét.

Ông Nguyễn Hữu Thức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (Hải Dương) cho biết, Công ty đã đầu tư xây dựng kênh bán hàng trực tuyến qua website, Facebook, fanpage, Zalo, OA và các sàn thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee…; xây dựng nhóm khách hàng thân thiết trên các ứng dụng chat trực tuyến: Zalo, Viber, Telegram… Đối với sản phẩm trang trí nội thất, quà tặng, trước đây khách hàng thường muốn “nhìn tận mắt, sờ tận tay”, song hiện nay cũng đã có những thay đổi từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. 

Các cơ sở tại làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) có doanh thu tăng mạnh từ bán hàng trực tuyến.

Cần phổ biến rộng hình thức bán hàng online

Mặc dù các địa phương trong cả nước đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng online và marketting cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trong làng nghề nhằm giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở tiếp cận, trao đổi, tìm hiểu, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, chuyển đổi số, định hướng xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội ở khu vực nông thôn... Tuy nhiên, ở hầu hết các cơ sở công nghiệp nông thôn hiện nay, hoạt động thương mại điện tử chưa thực sự phát triển, việc thực hiện các giao dịch trên internet còn hạn chế.

Bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội là một “cuộc cách mạng” đối với làng mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) dù thời gian đầu việc này còn lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn. Qua sự kiên trì của các nghệ nhân và danh tiếng vốn có của đồ gỗ Đông Giao, khách hàng ngày càng tin tưởng và doanh thu từ bán hàng trực tuyến cũng tăng mạnh. Theo chị Đào Thị Thu Hương, một YouTuber của Công ty TNHH Mộc An Hải (làng mộc Đông Giao), một số sản phẩm bán trên mạng tiêu thụ tốt hơn do có thể giới thiệu kỹ đến khách hàng ở khắp nơi, thậm chí có thể tổ chức đấu giá online. “Để bán sản phẩm online không cần đầu tư nhiều, chỉ cần điện thoại thông minh, thiết bị ánh sáng và phòng tĩnh. Việc giới thiệu sản phẩm do 2 người phụ trách”, chị Hương cho biết. 

Các cơ sở còn tiếp cận thị trường quốc tế, tuyển nhân viên biết tiếng Trung Quốc và sử dụng được ứng dụng WeChat (mạng xã hội tại Trung Quốc) để đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng này. Tuy không nhiều nhưng mỗi đơn hàng xuất đi thường có giá trị lớn. 

Việc giúp các nghệ nhân và cơ sở thực hiện bán hàng online đang trở thành nhu cầu thiết thực, góp phần đắc lực phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Việc này rất cần đến những cơ quan chuyên môn. Theo đó, cần có các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, biết các kỹ năng cần thiết, và có sự chuẩn bị thực tế. Nếu các nghệ nhân, cơ sở không tự thực hiện được thì nên có các hình thức trợ giúp cụ thể, hoặc mở địa chỉ bán hàng online chung cho nhiều nghệ nhân, cơ sở cùng tham gia.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Phát triển làng nghề (Sở KHCN Hà Nội) chia sẻ, để bán hàng online đạt hiệu quả, làng nghề cần các bước tiếp cận và cách bán hàng trực tuyến phù hợp. Theo đó, về lựa chọn sản phẩm bán trực tuyến, có 3 cách mà hầu hết những người bán hàng tìm kiếm nguồn sản phẩm: Tự làm, bán buôn và vận chuyển tận nơi. Người bán cũng cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, bởi thị trường cho bán hàng trực tuyến rộng lớn nhưng cạnh tranh quyết liệt, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách, đảm bảo khả thi. Để tìm được thị trường ngách, người dân làng nghề có thể sử dụng một số công cụ như: Tra cứu về xu hướng trên Google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm, sử dụng công cụ để kiểm tra độ lớn của thị trường ngách. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác