Học hỏi làm giàu

Mô hình nuôi con đặc sản kết hợp du lịch thu tiền tỷ

Trúc Quỳnh - 07:59 25/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mô hình chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, chuỗi nông nghiệp xanh chăn nuôi con đặc sản vùng miền kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm của ông Nguyễn Minh Tâm, xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với diện tích sản xuất 10ha mang về thu nhập khoảng 8 tỷ/năm.
Ông Nguyễn Minh Tâm (bên phải) thành công với mô hình chăn nuôi con đặc sản vùng miền kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm.

Mô hình nuôi bồ câu kết hợp với gà rừng

Ông Nguyễn Minh Tâm chia sẻ: Năm 2006, tôi là giáo viên dạy môn hóa một trường THPT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Thời gian đó, tôi vừa đi dạy vừa khởi nghiệp chăn nuôi 3 cặp bồ câu giống pháp để kiếm thêm thu nhập. Sau 10 năm, tôi đã phát triển đàn bồ câu lên 3.000 cặp với 3 trại giống, đây chính là thời gian gặp khó về đầu ra. Chim sinh sản nhanh mà không bán được nên không đủ tiền để duy trì đàn chim, cuối cùng tôi đành tháo chuồng cho đàn chim tự bay đi kiếm ăn chấp nhận phá sản. 
Sau lần phá sản tôi quyết định dừng việc đi dạy để lang thang khắp mọi miền đất nước tìm hiểu nguyên nhân khiến tôi và nhiều người nông dân thất bại. Gần ba năm đi nhiều nơi nghiên cứu học tập cuối cùng tôi đã đúc kết được công thức thành công cho mình và người nông dân chăn nuôi con đặc sản, đó là “đầu ra - kỹ thuật và lòng đam mê”.

Năm 2018, ông Tâm quyết định khởi nghiệp lần 2 với mong muốn giúp nông dân làm nông nghiệp sạch hiệu quả, bao tiêu đầu ra cho người nông dân. Từ năm 2018 đến nay, ông đã giúp cho hàng ngàn nông dân chăn nuôi con đặc sản vùng miền như: Dông cát, gà rừng, bồ câu… thành công. Mỗi năm ông đã tập huấn trên 30 lớp đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi con đặc sản cho Hội Nông dân các xã, huyện trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước; Giúp nông dân phát triển kinh tế từng bước vươn lên làm giàu.

Trong quá trình nuôi bồ câu Pháp, ông Tâm đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi bồ câu kết hợp với gà rừng. Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tận dụng tối đa nguồn thức ăn thừa trong chăn nuôi cũng như diện tích chuồng trại. Gà rừng lượm lặt thức ăn vương vãi của bồ câu giúp tiết kiệm chi phí. Gà rừng có độ kháng bệnh rất cao và giá trị kinh tế cao. Do đó, ông Tâm đã chọn con gà rừng kết hợp nuôi chung với bồ câu.

Từ giống gà rừng thuần chủng, ông Tâm cho lai thế hệ F1, F2. Con giống vẫn giữ được đặc tính nhanh nhẹn, ăn ít và kháng bệnh cao. Gà rừng mỗi lần đẻ khoảng chục trứng, nhờ tăng cường thêm ấp điện, nên gà con nở ra có tỷ lệ sống sót cao. Đến nay tổng số gà rừng của trại đã nhân lên được 500 con. Nuôi gà rừng không phải tốn thêm thức ăn, vì tận dụng thức ăn thừa của bồ câu, nhưng lại có thêm thu nhập từ gà rừng khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, mô hình bồ câu kết hợp gà rừng đang được nhân rộng ở Phan Thiết với khoảng chục hộ nuôi, vì hiệu quả từ một nguồn thức ăn cho bồ câu nhưng lại cho ra 2 nguồn thương phẩm. Gà rừng không có xung đột gì với bồ câu. Gà rừng ăn ở dưới, ngủ ở trên và cũng đẻ ở trên, xử lý được nguồn thức ăn phung phí. Không thêm chi phí mà lại có thêm một đầu thương phẩm và nguồn thu nhập khá cao.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ thịt gà rừng và bồ câu ở Bình Thuận rất lớn. Ngoài các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu, quán cháo dinh dưỡng, thì sản phẩm này đang được các dịch vụ tiệc cưới ưa chuộng. Trước nhu cầu này, trại giống đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân phát triển mô hình theo hướng vừa cung cấp giống vừa bao tiêu sản phẩm thịt, vì thế, các hộ chăn nuôi không lo lắng về đầu ra.

Mô hình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp của ông Tâm được nhiều người đến tham quan, học hỏi.

Chăn nuôi con đặc sản vùng miền kết hợp du lịch sinh thái 

Nhận thấy lợi thế từ du lịch, ông Tâm đã quyết định xây dựng trang trại nuôi con đặc sản, kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm để gia tăng kinh tế cho gia đình. Mô hình du lịch sinh thái trải ngiệm thu hút nhiều du khách tham quan, nhu cầu ăn uống đặc sản vùng miền ngày càng nhiều. Những vị khách khi đến với du lịch sinh thái trải nghiệm của gia đình sẽ được trực tiếp thưởng thức những món ăn đặc sản tại trang trại do ông cung cấp. Nhờ đó, ông ngày càng tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng, mở rộng thị trường.

Khi đến du lịch sinh thái trải nghiệm, du khách sẽ được trực tiếp quan sát công việc mình làm tại trang trại, họ được trải nghiệm cho các con vật ăn, cũng như được thưởng thức các món ăn trực tiếp từ trang trại. Khi trở về nhà, họ cần cung cấp thực phẩm sạch thì có dịch vụ giao hàng tận nơi. Thu nhập từ mô hình của ông mỗi năm đạt hơn 8 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực nông nghiệp tại TP.Phan Thiết thời gian qua đã được chính quyền địa phương đánh giá cao.

Tận dụng lợi thế tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch, thành lập các trang trại cung ứng con giống, bao tiêu đầu ra cho nông dân... mô hình ông Tâm đã phát huy được bản sắc của địa phương, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.  Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm với tư duy đổi mới, ông đã trở thành thế hệ nông dân mới ở TP. Phan Thiết, đánh thức những sản vật địa phương, phát triển du lịch sinh thái, giảm nghèo cho người dân trên chính quê hương mình.

Ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết: Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại được xem là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp. Các mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn đã có những kết quả tích cực trong việc ứng dụng công nghệ cao, nhiều mô hình còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Mô hình nuôi gà rừng lai kết hợp bồ câu của Trại giống ông Tâm rất triển vọng trên địa bàn xã cũng như các khu vực lân cận. 

“Hội Nông dân xã luôn khuyến khích, hỗ trợ anh Tâm phát triển mô hình này mạnh dạn hơn nữa. Đồng thời, Hội Nông dân sẽ giúp cho các hộ khác có nhu cầu phát triển mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, đáp ứng nhu cầu thị trường của các khu du lịch ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né. Nuôi bồ câu kết hợp gà rừng là mô hình chăn nuôi còn khá mới mẻ ở TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Hiệu quả mang lại từ việc kết hợp này quá rõ. Địa bàn du lịch với nguồn tiêu thụ lớn, đây là mô hình có nhiều triển vọng để phát triển mạnh, qua đó giúp nhiều nông dân địa phương tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình”, ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp cho hay. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác