Thu tiền tỷ nhờ trồng nho “quý tộc”
Anh Hoàng Văn Tuấn là Bí thư Đoàn xã Xuân Du, trước khi đến với cây nho “quý tộc” anh đã từng thử nghiệm và thành công với mô hình trồng đào, ớt, mướp đắng, rau má... và nhận được nhiều bằng khen trong lĩnh vực Đoàn và các mô hình nông nghiệp.
Theo ông Bùi Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du, người dân ở đây chủ yếu trồng đào là chính với diện tích hơn 280ha. Mô hình nho sữa của anh Tuấn lần đầu xuất hiện ở địa phương và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thấy đây là loại cây trồng rất thích hợp mà người dân có thể học hỏi, mở rộng diện tích.
Chia sẻ về quyết định đầu tư trồng nho “quý tộc” anh Hoàng Văn Tuấn cho biết, qua tìm hiểu thông tin trên báo chí và mạng xã hội anh biết đến mô hình trồng nho sữa của Hàn Quốc và nho Kyoho của Nhật Bản. Không ngần ngại, Tuấn quyết tâm “cơm đùm cơm nắm” vào tận miền Nam để tìm hiểu mô hình trồng nho.
“Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến vườn nho sữa tôi như bị hút hồn. Được tham quan, được chủ vườn chia sẻ kinh nghiệm, ngay lập tức tôi đã muốn đưa giống nho này về quê trồng. Ngay lần đầu tiên tìm hiểu, tôi đã có cảm nhận đây là cây trồng hiệu quả nhất mà tôi từng biết đến”, anh Tuấn kể.
Cuối năm 2021, anh Tuấn quyết định mua 1.500 cây nho giống về trồng trên diện tích 7.000m2, trên tổng diện tích hơn 2ha. Ngoài tiền mua giống, anh còn đầu tư giàn, mái che, hệ thống tưới tiêu... tổng chi phí hơn 2 tỷ đồng.
“Ở vùng nông thôn ít ai dám chi ra một số tiền lớn như vậy để làm nông nghiệp, nên tôi chịu áp lực rất nhiều từ gia đình và hàng xóm. Nhiều người bảo tôi hết khôn dồn dại, bị “hâm”. Tôi phải mạnh mẽ lắm mới bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu để tập trung vào việc trồng, chăm sóc cây nho “quý tộc” này”, anh Tuấn chia sẻ.
Đầu năm 2022, anh bắt đầu xuống giống. Hiện hai giống nho anh trồng đã cho lứa quả thứ 3. Mỗi gốc nho cho 6-8kg quả. Với hai vụ một năm, giá bán từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg, năm đầu tiên anh đã thu về tiền tỷ.
Theo anh Tuấn sở dĩ nho sữa Hà Quốc và nho Kyoho của Nhật Bản được gọi nho “quý tộc” vì giống nho này rất đắt và có giá trị dinh dưỡng, cũng như giá trị rất cao. Bên cạnh đó, việc chăm sóc nho cũng rất phức tạp. Ngoài xây hệ thống nhà giàn, hệ thống tưới tự động thì việc cắt tỉa lá, cắt cành cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng quả.
“Theo tôi biết, cả nước mới có 3 hộ trồng được giống nho sữa này, nhiều hộ khác cũng trồng nhưng thất bại. Ở Thanh Hóa, đây là mô hình đầu tiên thành công nên khi vườn nho ra quả, rất nhiều người hiếu kỳ đến xem và muốn học cách làm theo. Tuy nhiên, để thành công với giống nho này đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, bên cạnh đó vốn đầu tư cũng không hề nhỏ”, anh Tuấn chia sẻ.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng nho, đồng thời xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Theo đó, du khách thăm quan có thể tự do hái nho, học cách cắt tỉa quả nhỏ, tưới cho nho...