Đặc sắc mô hình “dứa rừng lim” Tam Đảo
Một rừng cây “2 tầng” kinh tế
Xã Đạo Trù là một trong những xã miền núi, nghèo của huyện Tam Đảo, với hầu hết là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống. Trước đây, người dân nơi đây chủ yếu phát triển mô hình kinh tế rừng bằng cách trồng bạch đàn, keo, nhưng những loại cây này rất hại đất, đất bạc màu rất nhanh. Do đó, sau khi thu hoạch, 1 – 2 lứa là phải bỏ hoang để cho đất phục hồi.
Với lợi thế nằm dưới chân rừng Tam Đảo, nơi có không khí trong lành, mát mẻ, nên cây cối phát triển rất tốt. Ngoài diện tích rừng tự nhiên của Vườn quốc gia Tam Đảo, người dân nơi đây đã trồng cây lim từ nhiều năm nay, đến nay có những cây lim lên đến 2 người ôm. Được biết, hiện xã Đạo Trù có diện tích rừng lim khoảng 106,22ha, trong đó có khoảng 25ha người dân đang trồng dứa và cây dược liệu dưới tán rừng lim.
Ông Nguyễn Văn Mây, thôn Đồng Liễu, xã Đạo Trù một trong những hộ đang phát triển mô hình lim – dứa cho biết, vài năm gần đây ông làm quán nước, và bày bán những sản vật địa phương, chủ yếu là các loại hoa quả: chuối, mít, na, bưởi và đặc biệt là dứa rừng lim ven đường tỉnh 302, vừa để tiêu thụ sản vật của gia đình, địa phương, vừa quảng bá đặc sản dứa dưới rừng lim nơi đây.
Theo ông Mây, cách đây mấy chục năm về trước, diện tích rừng trồng lim ở xã Đạo Trù thuộc sự quản lý của Hợp tác xã. Nhưng đến khoảng năm 1976 hoặc 1977, Hợp tác xã đã giải thể và chuyển nhượng quyền quản lý rừng lim cho các hộ dân – người dân không được khai thác lim, mà chỉ được trông coi, canh tác dưới những tán rừng, khi ấy bạt ngàn cây dại, cây tạp.
“Chúng tôi dọn dẹp cây tạp dưới tán rừng lim, trồng các loại hoa màu như sắn, rau củ, tuy nhiên năng suất và hiệu quả không cao, nên một số người thử nghiệm trồng dứa, với mục đích cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất bánh kẹo ở huyện Tam Dương. Khi dứa chín, ai nấy đều ngỡ ngàng, vì những quả dứa trồng dưới tán rừng lim đều có vị thơm ngon vô cùng đặc biệt ngọt thanh, không có vị chua mà các loại dứa trồng ở nơi khác không thể nào sánh được”, ông Nguyễn Văn Mây cho biết.
Từ sự phát hiện tình cờ đó, người dân đã bảo nhau tăng diện tích dứa và thay đổi cách chăm sóc từ việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phân bón vơ cơ, sang chăm sóc phân bón hữu cơ và dùng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, chất lượng của quả dứa ngày càng được nâng cao và trở thành một “đặc sản” của vùng núi Tam Đảo.
Gia đình ông Lương Văn Sinh là một trong những hộ còn duy trì diện tích trồng dứa nhiều nhất ở thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù cho biết, gia đình ông có hơn 3ha trồng dứa dưới tán rừng lim. Trước đây, mỗi khi vào vụ dứa hàng ngày, ông phải chở dứa ra chợ TT Đại Đình ngồi bán. Nhưng hiện nay, cứ vào mùa là có thương lái vào tận vườn mua với giá 7.000 – 8.000 đồng/quả, trừ chi phí ông thu về khoảng 100 triệu đồng/ha.
Cần bảo vệ thương hiệu “dứa rừng lim” Tam Đảo
Tương tự, thị trấn Đại Đình có diện tích rừng lim khoảng 188ha, với khoảng 80 hộ trồng dứa và cây dược liệu dưới tán rừng. Từ nhiều năm nay, cây dứa đã trở thành cây chủ lực, gắn bó dài lâu và góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo cho các hộ dân ở đây. Chính vì vậy, vấn đề liên kết, bao tiêu sản phẩm cho cây dứa dứa cần được các cấp, các ngành ở Vĩnh Phúc quan tâm để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Dứa trồng dưới tán rừng lim phải mất thời gian khoảng chừng 3 năm thì cây mới có thể cho thu hoạch. Cái khó trong thời gian “đằng đẵng” đó, phải canh chừng hết sức cẩn thận, bởi những khoảnh dứa non trồng ở những khoảnh rừng xa nhà, là loại cây bị trâu bò rất thích ăn.
“Có khi công sức ròng rã 3 năm trời, sơ sểnh sẽ bị trâu bò phá sạch trong một buổi sáng. Nhưng khi dứa đã cho thu hoạch ổn định, thì công chăm sóc cũng giảm xuống rất nhiều, và cứ thế cho thu nhập bền vững năm này qua năm khác mà không cần trồng lại”, ông Lý Văn Tư, xã Đạo Trù nói.
Theo ông Tư, dứa bắt đầu chín rộ từ cuối tháng 5 âm lịch, nhất là từ 20/5 trở đi, trước thời gian này thường là dứa nơi khác chuyển về giả dạng “dứa rừng lim”. Dứa rừng lim Đạo Trù thường không bán theo cân, khách có nhu cầu thì lựa mua theo quả, giá mỗi quả dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng/quả, tùy mức độ nhỏ to.
“Những năm gần đây, lợii dụng thương hiệu của “dứa rừng lim”, nhiều người đã đưa dứa ở nơi khác về bán, với giá rẻ hơn, quả to hơn dứa rừng lim Tam Đảo, nhưng chất lượng thì không bằng dứa rừng lim. Việc nhái thương hiệu ‘dứa rừng lim’ Tam Đảo sẽ gây hệ lụy, ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu dứa của bà con, rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc “dẹp” tình trạng trên”, ông Tư bày tỏ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện thương hiệu “dứa rừng lim” Tam Đảo đã được nhiều người biết đến, xong thương hiệu này vẫn chưa được bảo hộ, xây dựng chỉ dẫn địa lý, do đó, giá trị mà quả dứa mang lại chưa được như kỳ vọng.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan, ban, ngành của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân làm quy trình để các cơ quan chức năng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho dứa rừng lim Tam Đảo. Trước tiên chúng tôi đang xây dựng sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh và tương lai là sản phẩm OCOP Trung ương” – ông Sinh chia sẻ.