Tiếp sức để rừng Lâm Bình mãi là vàng
Đặc sắc mô hình trồng rừng dược liệu “Thuận tự nhiên”
Vùng rừng núi tự nhiên huyện Lâm Bình với núi đá vôi, độ dốc cao, địa hình bị chia cắt mạnh… nhưng rất ít thiên tai lũ ống, lũ quét bởi do việc rừng đã được quản lý và bảo vệ rất tốt, hệ sinh thái rừng đa dạng và tỷ lệ độ che phủ rừng cao trên 78%. Đó là minh chứng hiệu quả nhất từ việc giữ được rừng và tạo hệ sinh thái tự nhiên cho rừng phát triển và khi đó con người cũng sẽ có được môi trường sống bền vững cùng với Mẹ Thiên nhiên.
Năm 2020 trong một lần tình cờ đi thực địa cây thảo dược cho dự án viết sách về dược liệu với tên gọi “Nam Dược Ký Sự”, anh Hoàng Quốc Thanh từ TP. Hồ Chí Minh đã đến với rừng núi tự nhiên huyện Lâm Bình, nhận thấy sự khác biệt khi rừng tự nhiên ở đây có hệ sinh thái đặc biệt với rất nhiều cây thuốc đang còn hiện hữu, tuy nhiên số lượng không còn nhiều do bị người dân khai thác quá mức… Vì vậy anh Thanh đã nảy sinh ý tưởng trồng dược liệu dưới tán rừng để cùng bảo tồn và phát huy những dược liệu quý của dân tộc đặc biệt là để góp phần giữ lại những cánh rừng vàng.
Anh Hoàng Quốc Thanh chia sẻ: Ở trong những cánh rừng nguyên sinh của huyện Lâm Bình nơi đây với đa dạng hệ sinh thái và đặc biệt là kho dược liệu với nhiều loài dược liệu quý (Khôi nhung, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích, sâm, thất diệp nhất chi hoa...). Chính vì vậy tôi đã chủ động nhận chuyển nhượng 5ha rừng sản xuất của bà con nông dân để phát triển vườn rừng dược liệu. Hướng đi mà tôi lựa chọn đó là phát triển rừng dược liệu “Thuận tự nhiên” (với 1ha khu vực rừng đất trọc tôi đã trồng cây họ đậu để cải tạo đất, sau đó trồng cây chuối và cây ăn quả tạo nhằm tạo tán và sau đó mới trồng cây dược liệu; còn 4ha đất rừng đang có sẵn cây đa tầng, tôi đã tiến hành trồng các cây dược liệu dưới tán rừng.
Phương pháp “Thuận tự nhiên” được anh Thanh triển khai ở Lâm Bình đó là ở mức độ cấp độ cao nhất là KISS (keep is simple, sutupid) nghĩa là sau khi trồng cây giống hoàn toàn không chăm sóc để cây dược liệu phát triển tự nhiên. Việc phát triển rừng dược liệu đã được thực hiện 4 không (không cày xới, không bón phân, không dùng thuốc, không tưới nước) mà chỉ trồng cây dược liệu xuống đất, từ đó đã không chỉ giúp cây sinh trưởng tốt nhất mà còn còn góp phần tạo nên những cây dược liệu có dược tính tốt nhất khi sử dụng.
Trong vườn rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình của anh Thanh, các cây dược liệu được coi là cây ATM, còn các cây rừng khác (thảm thực vật, cây dây leo, cây tầng cao…) sẽ là những cây cộng sinh… Từ đó sẽ tạo hệ sinh thái rừng hoàn toàn “Thuận tự nhiên”; các loại cây sẽ tương sinh, tương hỗ cho nhau cùng phát triển. Khi có mưa xuống các tầng thực vật đa dạng, dày đặc sẽ góp phần hiệu quả trong việc giữ nước chống sói mòn đất và giữ độ ẩm cho đất, giữ môi trường tốt cho hệ vi sinh vật dưới mặt đất. Vì thế, hệ sinh thái rừng đa tầng giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra đối với con người.
Triết lý trồng cây “Thuận tự nhiên” được anh Thanh lý giải thêm do đất ở đây rất màu mỡ (thường có từ 10-20cm đất mùn) vì vậy cây dược liệu khi trồng xuống đất sẽ có đủ dinh dưỡng để phát triển, cùng với đó rừng dược liệu đã được nhánh dòng Sông Gâm bao bọc, ngay từ sáng sớm sẽ có sương lên từ đó tạo độ ẩm rất là tốt cho cây dược liệu phát triển... Vì vậy không chỉ có các cây dược liệu bản địa mà nhiều cây dược liệu quý khác được đưa về đây trồng đều phát triển rất tốt.
Rừng vàng Lâm Bình đã nâng cao đời sống người dân
Thông tin về sự phát triển của vườn rừng dược liệu anh Hoàng Quốc Thanh cho biết thêm: Hiện nay 5ha rừng dược liệu đang phát triển rất tốt, ngay ở diện tích 1ha rừng đồi trọc và 1ha rừng tự nhiên đa tầng từ năm 2021 sau khi tiến hành cải tạo, đến nay chúng tôi đã trồng được các cây khôi nhung tím, ba kích, trà hòa vàng, cây cau tứ thời quả dài… Ở mô hình trồng “Thuận tự nhiên” hướng hữu cơ này chúng tôi chỉ bón lót phân hữu cơ, định kỳ cắt cỏ rừng tấp phủ và không tưới nước, nhưng tất cả các cây dược liệu đều phát triển tốt chuẩn về kích thước và dược tính.
Sau 12 tháng trồng cây khôi nhung thì vào tháng 9/2023 vườn rừng khôi nhung của anh Thanh đã bắt đầu cho thu hoạch lứa lá đầu tiên. Giờ đây định kỳ cứ 3 tháng sẽ thu hoạch 1 lần; đến nay đã thu được 4 lần, mỗi lần đều đạt doanh thu 40 triệu đồng/hecta (tương đương 10.000 cây khôi nhung). Về tài chính mỗi lần thu hoạch lá khôi nhung thì chi phí chỉ khoảng 20% /doanh thu (công làm cỏ, công hái lá, công phơi lá, phân bón - thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ).
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình trồng dược liệu của anh Thanh, đến nay đã có 6 hộ dân ở huyện Lâm Bình đã tiến hành dùng nguồn lực cá nhân để mua cây giống, phân bón hữu cơ và trồng cây khôi nhung ở rừng sản xuất của gia đình mình mà bấy lâu nay bỏ không hoặc cải tạo trồng dưới tán rừng lâm nghiệp cây keo, cây mỡ… từ đó đã hình thành hướng kinh tế đa dụng ở rừng được tầm 5 hecta. Dự kiến trong quý 4/2024 thì 6 hộ sẽ thu hoạch lứa khôi nhung đầu tiên.
Xây dựng thế hệ “Nông doanh” Lâm Bình
Trong quá trình hợp tác với bà con ở huyện Lâm Bình trồng dược liệu vấn đề để mỗi gia đình sẽ trở thành một “Nông Doanh” nghĩa là vừa sản xuất nông nghiệp, làm thị trường và chọn lựa khách hàng nào mang giá trị cao nhất để hợp tác đã được anh Thanh rất trăn trở.
Vì vậy anh Thanh đã không trực tiếp thu mua sản phẩm dược liệu cho bà con mà chỉ giới thiệu các hộ gia đình trồng dược liệu được gặp gỡ trực tiếp các đối tác là doanh nghiệp thu mua dược liệu. Từ đó các hộ tự thỏa thuận và tìm đầu ra cho sản phẩm của riêng mình… tư duy sản xuất này đã hình thành nên những “Nông Doanh” đầu tiên ở huyện Lâm Bình.
“Hiện nay với nền tảng website, facebook, zalo, tiktok, youtube… là những điệu kiện rất thuận lợi cho bà con trồng dược liệu ở huyện Lâm Bình phát triển để trở thành một “Nông Doanh”. Bởi chỉ cần có điện thoại thông minh với sóng 4G và tri thức kinh doanh là bà con sẽ tự mình làm chủ “Nông Doanh” một cách thực tiễn nhất. Việc người nông dân chỉ lo sản xuất nông nghiệp, rồi đầu ra chỉ dựa vào duy nhất 1 đơn vị bao tiêu là một mô hình kinh doanh rất rủi ro. Vì vậy mỗi “Nông Doanh” dược liệu ở Lâm Bình cần sử dụng hiệu quả công nghệ 4.0 để phát triển kinh tế; chỉ khi đó kinh tế của gia đình, của xã, của huyện mới thực sự phát triển bền vững” anh Thanh cho biết thêm.
Nhằm góp phần tạo sinh kế thêm cho người dân huyện Lâm Bình, anh Thanh cũng đang ấp ủ “farmstay” ở vườn rừng dược liệu, bởi đến nay anh đã cùng với người dân ở các xã Bình An, Phúc Yên, Phúc Sơn trồng được khôi nhung trong quỹ đất quy hoạch là 20ha. Ngoài cây dược liệu tạo doanh thu ổn định thì định hướng vườn rừng sẽ trồng nhiều cây dược liệu với nhiều loại cây có giá trị: Địa liền, kim tiền thảo, gừng gió, thạch xương bồ, thiên nhiên kiện, bách bộ, hà thủ ô, dâu tằm, kim tiền thảo, cà gai leo, lá ngón - cây nhóm độc, diệp hạ châu, mạch môn, địa hoàng, trinh nữ hoàng cung, hoa kim châm, lá dong riềng chữa bệnh tim, kim ngân hoa… với mục đích sưu tầm, bảo tồn phục vụ cho giáo dục và du lịch rừng và cũng là nguồn thu phụ của Vườn rừng khi các cây dược liệu trong vườn thuốc bảo tồn được thu hoạch.
Trong thời gian tới anh Thanh sẽ triển khai việc nuôi bán hoang dã: Gà rừng, chim trĩ, hươu sao và tạo thức ăn hoang dã (trồng thêm chuối) cho các động vật tự nhiên (sóc, don, cày hương…) đã tự về các vườn rừng dược liệu trong thời gian qua. Các vườn rừng dược liệu sẽ trồng một số cây dược liệu (sâm đinh lăng, đẳng sâm…) ở khu vực bìa rừng có đủ nắng từ đó sẽ cộng sinh, lá sẽ tạo nguồn thức ăn cho cho gà, hươu sao, chim trĩ còn thân và củ sẽ là dược liệu tạo doanh thu cho vườn rừng khi thu hoạch.
Vào năm 2026, anh Thanh sẽ kết hợp với các đơn vị chức năng của địa phương huyện Lâm Bình để mở cửa tự do cho du khách, sinh viên, học sinh trekking đường rừng 500m để tham quan mô hình trồng dược liệu và nuôi động vật dưới tán rừng tại Vườn rừng thảo dược Khai Tâm Lâm Bình…
Từ những việc làm cụ thể, được chứng mình bằng những hiệu ứng tích cực đã bắt đầu đem lại nguồn lợi về kinh tế, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của anh Hoàng Quốc Thanh và người dân huyện Lâm Bình, sẽ là hướng đi bền vững cho các địa phương trên cả nước học tập để “Rừng sẽ mãi là vàng”./.