Học hỏi làm giàu

Mỗi năm thu lãi gần nửa tỷ đồng nhờ nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện

Kiều Thanh Tâm - 10:56 19/07/2024 GMT+7
Từ mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, anh Đỗ Danh Tuân thu lãi gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

Sinh năm 1992, trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh và cũng nhờ học hỏi theo các thế hệ đi trước nên anh Đỗ Danh Tuân ở bản Nam, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có góc nhìn về thị trường rất nhạy bén. Sau một thời gian theo dõi, nắm bắt nhu cầu của thị trường, đầu năm 2021, anh Tuân đã mạnh dạn đầu tư làm lồng, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng, huyện Than Uyên, Lai Châu. Anh tìm nuôi các loài cá “đặc sản”, gồm: cá lăng, cá chiên, cá quất.

Chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất

Kể cho chúng tôi nghe về duyên cớ đến với nghề này, anh Tuân cho biết: Gia đình tôi mở cửa hàng tạp hóa từ nhiều năm nay. Ngoài hàng tạp hóa, gia đình tôi còn đi mua cá từ nơi khác về bán. Cá bán khá chạy, nhất là cá rô phi. Vì phải đi mua từ nơi khác nên nhiều lúc không có cá để bán.

Tiếc vì để trống thị trường, sau nhiều đêm trằn trọc, anh Tuân nảy ra ý tưởng nuôi cá lồng ngay trên lòng hồ thủy điện gần nhà. Anh thấy có nhiều người cách xa lòng hồ mà vẫn mạnh dạn nuôi cá lồng. Trong khi đó, mình có lợi thế nhà ở gần lòng hồ thủy điện mà không tận dụng thì quá lãng phí, nên anh quyết tâm đầu tư nuôi cá lồng.

nuoi ca lang 1
Anh Tuân bắt đầu xây dựng mô hình nuôi cá lồng giữa lòng hồ thủy điện từ năm 2021.

Nghĩ là làm, anh Tuân mua lại 6 lồng cũ của người dân trong vùng về lắp đặt trên lòng hồ, phía đối diện nhà ở. Lứa cá giống đầu tiên, anh Tuân thả hơn 5.000 con rô phi và khoảng 1.000 con cá lăng giống. Nhưng khởi đầu gian nan, số cá giống của anh Tuân chết gần hết, khiến anh bao đêm mất ngủ.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, anh Tuân quyết tâm làm lại từ đầu. Lần này, anh vừa mày mò, học hỏi trên mạng Internet, vừa chủ động nghiên cứu, tìm kiếm các mô hình nuôi cá lồng khác để nâng cao kiến thức thực tế. Anh dành thời gian đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) và một vài khu nuôi cá lồng trong huyện, trong tỉnh. Cũng nhờ vậy, anh đã tìm ra nguyên nhân khiến lứa cá đầu tiên nuôi thất bại là do thiếu kinh nghiệm, thả không đúng mùa vụ và không biết cách phòng bệnh.

nuoi ca lang 2
Do thiếu kinh nghiệm, lứa cá giống đầu tiên chết gần hết, quyết tâm làm lại, anh Tuân vừa mày mò kiến thức trên Internet, vừa tham khảo, học hỏi từ những mô hình nuôi cá lồng thành công.

Nắm được quy trình và kỹ thuật nuôi cá, năm 2021, anh Đỗ Danh Tuân đầu tư lồng mới và mua cá giống về nuôi, chăm sóc.

Lồng cá được anh thiết kế khá khoa học và bài bản. Anh Tuân mua lưới, thùng phi, thép hộp mạ kẽm, rồi thuê thợ hàn, tạo thành dãy lồng nuôi liên kết chặt chẽ với nhau, đi lại thuận tiện. Trong tổng số 25 lồng nuôi hiện tại, anh Tuân được Nhà nước hỗ trợ 15 lồng, với định mức 50/% chi phí làm lồng.

Làm lồng xong, anh Tuân mua cá giống về thả. Anh chọn nuôi lăng đen, lăng đỏ, chiên, quất và rô phi. Nhờ được chăm sóc, cho ăn theo đúng quy trình kỹ thuật, đàn cá nhà anh Tuân sinh trưởng, phát triển tốt. 

Thu về “trái ngọt”

Rút kinh nghiệm từ quá trình học hỏi, chăm nuôi cá lồng, anh Tuân cho hay: "Khâu chọn cá giống rất quan trọng để đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt. Không nên thả cá giống vào thời điểm giá rét. Đối với cá lăng, tôi thường thả con giống xuống lồng vào tháng 2 âm lịch". 

Người nuôi cá cũng cần chú ý khâu cho ăn, chọn các loại thức ăn và liều lượng mỗi ngày theo đúng chủng loại. Nếu cho ăn nhiều quá, cá dễ mắc bệnh đường ruột, nhất là đối với cá rô phi, còn cho ăn ít quá thì cá chậm lớn.

nuoi ca lang 3
Mô hình nuôi cá lồng đem lại cho anh Tuân thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm là "trái ngọt" sau hành trình lao động, sáng tạo.

Anh Tuân kể, khi mới nuôi, anh thường cho cá lăng giống ăn cám công nghiệp. Với cá lăng đạt từ 0,7kg trở lên, thì anh cho chúng ăn tép mồi. Đối với cá rô phi, anh chủ yếu cho chúng ăn cám công nghiệp.

Về khâu vệ sinh, phòng bệnh, cứ cách từ 3 – 4 tháng, anh lại vệ sinh lồng nuôi cá một lần. Nước ở lòng hồ thủy điện Huôi Quảng khá sạch, nên nuôi cá ít xảy ra dịch bệnh. Để phòng bệnh cho đàn cá, thỉnh thoảng anh sử dụng tỏi ngâm trộn với cám cho chúng ăn.

Để đảm bảo chất lượng, sau 1,5 năm nuôi, cá lăng đạt trọng lượng từ 2,5kg trở lên, anh Tuân mới xuất bán ra thị trường. Với cá rô phi, thì sau khoảng 7 tháng nuôi là có thể xuất bán. Anh Tuân bán cá lăng đen với giá dao động từ 70 – 100.000 đồng/kg. Còn cá rô phi, anh Tuân bán với giá từ 50 – 90.000 đồng/kg, tùy loại to hay nhỏ.

Đưa chúng tôi đi thăm thành quả sau 3 năm phát triển mô hình nuôi cá lồng, anh Tuân cho biết: Năm 2023, bán ra thị trường hơn 11 tấn cá các loại, mô hình nuôi cá lồng đem lại cho tôi thu nhập gần 1 tỷ đồng. Trừ chi phí mua giống, thức ăn, công chăm sóc, tôi lãi gần nửa tỷ. 

Được cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, các loài cá đặc sản nhà anh Tuân nuôi đang sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn mùa “trái ngọt” cho anh nông dân 9X năng động, ham làm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác