Hà Giang: Nhiều phong trào hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
Giai đoạn 2021-2025 Chương trình xây dựng NTM vẫn đang phát huy thành quả của 10 năm qua, xây dựng NTM bền vững đi vào chiều sâu và xác định NTM làm gốc, các địa phương cũng đang tích cực thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo này.
Nông dân chung sức xây dựng NTM
Đưa chương trình xây dựng NTM vào cuộc sống, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của nông dân, xác định đó là chủ thể trong phong trào nông dân, nông thôn và công cuộc xây dựng NTM.
Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Giang chia sẻ: Xác định xây dựng NTM là chương trình tổng thể, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cần có sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong công tác truyên truyền, vận động người dân, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về Chương trình xây dựng NTM nên công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến việc thực hiện chương trình và coi đây là việc thường xuyên, liên tục để tạo đồng thuận trong nhân dân. Mặt khác, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp cử cán bộ tham gia đoàn giám sát, phản biện xã hội về kết quả thực hiện xây dựng NTM; tổ chức hội thi “Hội thi nông dân tham gia xây dựng NTM”; “Hội thi tuyên truyền viên giỏi về trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số”…
Ông Trần Xuân Thuỷ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Giang cho biết: Hội xác định Chương trình xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị của hệ thống Hội nên đã tập trung chỉ đạo phong trào “Chung sức xây dựng NTM”; vận động hội viên, nông dân đóng góp công sức, tiền của, đất đai vào xây dựng, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng nông thôn; Phối hợp tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong xây dựng NTM tại cơ sở; vận động hội viên nông dân tạo sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có giá trị, hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Mặt khác, Hội cũng vận động hội viên, nông dân bài trừ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực; cải tạo cảnh quan nông thôn, như: Thu gom rác thải trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; triển khai hiệu quả mô hình “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” và mô hình “cải tạo vườn tạp”; đảm nhận tuyến đường tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; vận động nông dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng mô hình “đường mẫu, nhà mẫu, vườn mẫu”.
Để người nông dân thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng NTM, tỉnh phát huy vai trò Hội Nông dân trong việc vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng NTM hiệu quả hơn; Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác; Đẩy mạnh phong trào “Nông dân dạy nông dân làm kinh tế” để tăng thu nhập; Tăng cường liên kết trong sản xuất, thực hiện chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết; khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, tạo chuyển biến mạnh về năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp… Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giải quyết các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Vận động người dân nâng cao nhận thức về vệ sinh, bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp.
Lấy nông thôn mới làm gốc
Hà Giang đã xác định lấy NTM làm gốc, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.
Đến nay, Hà Giang có 48/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 88 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn NTM; trong đó, 37 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, 51 thôn thuộc các xã vùng I và vùng II.
Tại huyện Bắc Mê, các chương trình MTQG đang được đầu tư tập trung cho xây dựng các thôn NTM. Huyện không tập trung vào 1 thôn cố định mà đầu tư ở các thôn để hoàn thành mục tiêu xây dựng thôn NTM. Được biết, huyện đang có 142 chương trình đang triển khai, những công trình này đang được các địa phương nỗ lực thực hiện.
Năm 2023, Hữu Sản là 1 trong 4 xã của huyện Bắc Quang phấn đấu về đích NTM, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, xã mới đạt 9/19 tiêu chí NTM. Vì vậy, xã đang tập trung nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra. Ông Nguyễn Bá Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản cho biết: Chúng tôi tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông nông thôn. Đối với tiêu chí thu nhập, chúng tôi phối hợp tốt với các ngành trong việc đào tạo nghề cho lao động cũng như giới thiệu việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhằm tạo đột phá về kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, Hà Giang đã có những cách làm hay, mang lại hiệu quả đáng kể. Ví dụ như để hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, trong thời gian đợi nguồn vốn từ Trung ương, Hà Giang đã hỗ trợ xi măng “tiếp sức” xây dựng NTM, nhanh chóng phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để tổ chức đấu thầu mua xi măng cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh phong trào “hiến đất làm đường”… Sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự đóng góp tích cực của Nhân dân về ngày công, vật liệu đã góp phần quan trọng trong việc bê tông hóa hàng nghìn kilomet đường các loại. Đơn cử tại xã Tân Nam, huyện Quang Bình mặc dù còn nhiều khó khăn, song Nhân dân trong xã đã hiến hơn 10.000 m2 đất cùng hàng nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Hay như tại xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang - một địa bàn kinh tế khó khăn, xuất phát điểm thấp của tỉnh Hà Giang, nhờ thực hiện phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng NTM”, năm 2022 chính quyền địa phương đã huy động được Nhân dân, doanh nghiệp đóng góp quy đổi ra tiền mặt được hơn 5 tỷ đồng, chiếm 15% so với số vốn đầu tư cho quá trình xây dựng NTM của xã. Cùng với đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội tại xã Việt Hồng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 100% và số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 90%.
Còn tại huyện Hoàng Su Phì, nhiều phong trào hay, sáng tạo cũng được phát động như: Ngày thứ 7 hướng về NTM và nhà ở; Mỗi đoàn thể, mỗi tuần chọn một thôn, làm một việc… Với tinh thần cán bộ nêu gương, Nhân dân đồng thuận, vào các ngày cuối tuần, cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện Hoàng Su Phì xuống các thôn, bản cùng nhân dân làm đường bê tông nông thôn; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom, xử lý rác thải; xóa nhà tạm; di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà… Vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cùng sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân đã tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM giữa các xã, thị trấn và đem đến diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của huyện Hoàng Su Phì.