Nhiều trường đại học mở thêm các ngành mới nhóm kỹ thuật
Năm 2024, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.
Đại diện Trường Đại học Ngoại thương cho biết, theo kế hoạch phát triển các ngành, chương trình giai đoạn từ năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040, trong đó có các ngành về khoa học máy tính và công nghệ khác. Việc mở thêm ngành mới đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước và thử nghiệm đào tạo qua các chương trình ngắn hạn.
Còn tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, năm 2024 có 6 ngành mới, trong đó có 4 ngành liên quan đến khối kỹ thuật gồm kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin…
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay trường đã có Nghị quyết để mở 3 trường, đó là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
Với 2 trường là kinh tế và quản lý công, trường kinh doanh, trường đã phát triển khá đa dạng và có nhiều người học. Đối với trường công nghệ trường có chủ trương trong thời gian trước mắt, cụ thể năm nay, dự kiến sẽ mở thêm một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ, đúng với cái tên của trường.
PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định, nhà trường đã chuẩn bị nguồn nhân lực là giảng viên, chuyên gia tương đối tốt, phục vụ cho quá trình đào tạo thời gian tới.
Tương tự, tại Trường Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, năm 2024 cũng mở thêm ngành vi mạch bán dẫn thuộc khoa Điện, điện tử.
Bà Đặng Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết: “Việc mở các ngành mới khối kỹ thuật hoàn toàn không phải việc chạy theo xu hướng mà xuất phát từ thực tế nhu cầu xã hội. Theo dự báo, trong khoảng 5 năm tới, cả nước sẽ có nhu cầu hàng chục ngàn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn từ trình độ đại học trở lên. Quá trình tư vấn tuyển sinh năm nay, các ngành này cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của các thí sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mở thêm ngành ngôn ngữ Trung Quốc. Đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, giáp với Hà Nội, có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI trong đó có một lượng lớn các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong đa dạng ngành nghề, nhu cầu nhân lực ngành ngôn ngữ Trung Quốc là rất lớn. Khi theo học các ngành này, sinh viên có cơ hội làm việc ngay tại địa phương sau khi tốt nghiệp".
Năm 2024, Đại học quốc gia TP.HCM đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Nhà trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Tại Trường Đại học Phenikaa cũng dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành này từ năm 2024.
Năm nay, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng bắt đầu triển khai đào tạo ngành Công nghệ Vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp.
Theo VOV
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm