Hỗ trợ nông dân làm giàu, thích ứng với biến đổi khí hậu
Hỗ trợ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Xã Yến Dương có tổng diện tích tự nhiên gần 4.000ha, trong đó diện tích sản xuất nông lâm nghiệp chiếm khoảng 80%. Hơn 90% các hộ dân trong xã có trồng rừng và trang trại.
Để ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian vừa qua HTX Yến Dương đã chủ động phối hợp, tiếp cận các chương trình, dự án góp phần nâng cao năng lực, sự hiểu biết về biến đổi khí hậu, các phương pháp canh tác bền vững và sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên kiến thức bản địa cho cộng đồng các dân tộc thiểu số; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Theo chị Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Yến Dương, Chủ tịch Hội đồng QT, Giám đốc Liên hiệp HTX rừng và trang trại huyện Ba Bể cho hay: Mục đích của Chương trình FFF giai đoạn 2 là tập trung nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân làm rừng và trang trại, các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm lâm nghiệp, nông lâm nghiệp kết hợp, các hoạt động nâng cao thu nhập từ cảnh quan rừng, giảm nghèo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đồng thời tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân để hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ tốt hơn cho hội viên, nông dân và tham gia vào quá trình vận động chính sách. Năm 2019, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Kạn, HTX được thành lập và tham gia vào Chương trình FFF, chính vì vậy, HTX Nông lâm nghiệp Yến Dương đã có nhiều bước tiến vững chắc, phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chị Ma Thị Ninh chia sẻ: “Khi chưa tham gia Chương trình FFF, lúc đó chúng tôi chỉ là tổ hợp tác chế biến nông lâm nghiệp Thủy sản Yến Dương, hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế”. Một khó khăn nữa do Tổ hợp tác có 5 thành viên, sản phẩm chủ yếu là bí thơm, gạo nếp mùa, măng khô; Diện tích sản xuất nhỏ, không tập trung, phương pháp canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân, chưa áp dụng được khoa học kỹ thuật công nghệ trong sản xuất cũng như chế biến nên chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, vì vậy, doanh thu thấp, lợi nhuận không cao.
Bên cạnh đó, trình độ năng lực quản lý, điều hành tổ hợp tác cũng rất hạn chế, chưa có sự liên kết giữa các thành viên, vì vậy việc tiếp cận nguồn lực, chính sách của Nhà nước và các tổ chức khác cũng như tìm kiếm thông tin thị trường cũng hạn chế. Và một điều khó khăn nữa là lúc đó khó thuyết phục bà con đầu tư, sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm mà thị trường cần.
Từ khi tham gia Chương trình FFF, HTX được hỗ trợ, hướng dẫn từ những điều cơ bản nhất. Xã Yến Dương là khu vực miền núi nên thường xuyên gặp phải các hiện tượng thời tiết như mưa đá, lũ lụt, dịch bệnh ảnh hưởng đến các ruộng bí, cây dong giềng… “Chúng tôi hiểu rằng cần tạo sinh kế từ rừng và dưới tán rừng một cách bền vững, đó là phát triển những mô hình dược liệu dưới tán rừng để lấy ngắn nuôi dài cũng là cách để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chúng tôi xây dựng kế hoạch sản xuất, tập huấn, thực hành sản xuất hữu cơ cho các thành viên; sử dụng các giống cây trồng bản địa có khả năng thích ứng chịu hạn cao và đa dạng các loại cây trồng, kết hợp mô hình trồng lúa nếp Tài kết hợp nuôi cá để tăng sự đa dạng sinh học, tạo và làm sạch môi trường” - chị Ma Thị Ninh cho biết thêm.
Nâng cao giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế
Từ việc thay đổi phương thức sản xuất, cách làm đã giúp cho những hộ dân tham gia chương trình tạo ra được những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu.
Trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương, HTX phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm thu hái tự nhiên, gắn bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và làm du lịch trải nghiệm. Trước đó, bà con sản xuất lúa nếp, lúc đó chưa có thương hiệu gọi là nếp Tài, chỉ bán ở các chợ phiên với giá rất thấp chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, thậm chí ngồi cả ngày cũng không bán được. Khi tham gia chương trình FFF và HTX được hỗ trợ kỹ thuật canh tác sản xuất nên sản phẩm làm ra có chất lượng, được chứng nhận, xây dựng thương hiệu, vì vậy giá trị sản phẩm cũng được tăng lên.
“Hiện nay, có 30ha diện tích sản xuất lúa nếp Tài đã có đối tác đặt hàng. Đó là một trong những sản phẩm chúng tôi tiêu thụ thành công theo kế hoạch đề ra từ đầu năm nhờ chương trình FFF hỗ trợ” - chị Ma Thị Ninh cho hay.
Khi tham gia chương trình FFF HTX được hỗ trợ, kết nối với nhiều chương trình, được gặp gỡ các đối tác ở trong và ngoài nước. Vì vậy, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng, thực phẩm sạch…
“Những sản phẩm của chúng ôi khi làm ra ít nhưng giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, thu nhập của bà con nông dân cũng được cải thiện, tăng lên, trước đó thu nhập chỉ 20 triệu đồng/người/năm, khi tham gia chương trình FFF, thu nhập đã tăng lên 5 - 15% “ - chị Ninh thông tin thêm.
Không chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm tươi giúp bà con nông dân, HTX Yến Dương còn đi vào tổ chức chế biến các sản phẩm, gia tăng giá trị từ rừng và các sản phẩm nông lâm nghiệp tăng thu nhập kinh tế, như trà bí thơm, miến dong. Hiện HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị… để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hướng đến xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Ma Thị Ninh cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mở rộng diện tích, vùng liên kết. Đặc biệt chúng tôi coi trọng vai trò của phụ nữ và thanh niên, truyền cảm hứng và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về vai trò của kinh tế tập thể, sự liên kết trong cộng đồng… để níu giữ lại những người đó không đi làm công nhân nữa mà ở lại địa phương, phát triển và làm giàu trên chính mảnh đất, quê hương mình“.
“HTX Yến Dương được thành lập từ tháng 6/2018 với 7 thành viên. Từ 2019 đến năm 2021 thu hút mới 45 thành viên, 250 hộ liên kết chia làm 5 tổ sản xuất, trong đó chiếm hơn 90% là phụ nữ dân tộc thiểu số. Đến nay, HTX đã khẳng định và giữ vững được vị trí vai trò của kinh tế tập thể, đặc biệt chúng tôi thành lập được Liên hiệp HTX rừng và trang trại huyện Ba Bể ».
Chị Ma Thị Ninh – Giám đốc HTX Yến Dương.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi