Hỗ trợ sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Trong giai đoạn 2016-2020, TP. HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép Chương trình giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch từng ngành, lĩnh vực để huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố.
Qua đó, Thành phố đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giảm nghèo hàng năm và giai đoạn 2016 - 2020, hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X về “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 - 2020 trước thời hạn.
Kết quả này đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố, nhất là góp phần hoàn thành chỉ tiêu xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn không còn hộ nghèo, thu nhập của người dân tăng ổn định và kiểm soát được đáy nghèo của thành phố.
Đồng thời, đã có 4 - 5 chỉ số thiếu hụt cơ bản hoàn thành, không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần từng chỉ số mà có tác động lớn đến kinh tế hộ, đời sống vật chất, tinh thần từng hộ nghèo và của cộng đồng xã hội, góp phần đáng kể trong giữ an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM nhận định: “Chúng tôi cũng ghi nhận những nỗ lực rất lớn lao của các gia đình nông dân khó khăn, đặc biệt là con em trong các gia đình này. Chúng ta nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp Hội, của xã hội, nhưng chúng tôi nhìn thấy ở đó là một sự nỗ lực tự thân rất lớn, đặc biệt là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Có thể sẽ có khó khăn trước mắt, nhưng bà con họ tin và tiếp tục nỗ lực vươn lên cuộc sống sẽ tốt hơn vì sự nỗ lực của mình, với sự chia sẻ của xã hội và chúng ta tin tưởng rằng tương lai sẽ tốt hơn, con em chúng ta sẽ tốt hơn và nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có sự đóng góp cho phát triển của thành phố trong thời gian sắp tới. Đồng thời, làm sao cho nông dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững của TP. HCM trong thời gian tới”.
Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, của TP. HCM là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố, đảm bảo giảm nghèo bền vững hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo Thành phố.
Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững
Để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trong năm 2022, TP. HCM đã thực hiện nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân như: Cho vay vốn hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm thành phố.
Thông qua các chương trình, trong năm vừa qua TP. HCM đã cấp 121.348 thẻ bảo hiểm y tế cho diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo với số tiền hơn 92 tỉ đồng, hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn cho hơn 49.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, với số tiền 659 triệu đồng, đặc biệt là các chương trình chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện chính sách giảm nghèo, trước đó, UBND TP. HCM cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Hội Nông dân TP. HCM đã huy động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mạnh thường quân đóng góp, chăm lo cho những hộ nông dân nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn những phần quà Tết ấm áp, những căn nhà tình thương vững chắc để an cư, lạc nghiệp, những công cụ, phương tiện sinh kế để lao động, sản xuất, cải thiện đời sống; những sổ tiết kiệm nghĩa tình để trang trải chi phí điều trị bệnh nan y, những suất học bổng tiếp sức cho con em nông dân đến trường, đặt biệt là trẻ em có cha, mẹ, người nuôi dưỡng mất do dịch Covid -19, thông qua nguồn quỹ Tết Nghĩa tình với tổng kinh phí thực hiện là 10 tỷ 843 triệu đồng.
Kế hoạch nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”. Đồng thời, tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP. HCM, cho biết: “Trong năm 2022, Hội ND TP. HCM đã trao tặng nhà tình thương và đặc biệt bảo trợ cho 30 trẻ mồ côi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, các em đều không còn người thân và không nơi nương tựa. Ngoài ra, còn Chương trình trao tặng 223 công cụ sản xuất cho 200 hộ hội viên, nông dân của thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ… Chương trình trao tặng công cụ sản xuất là một trong những nội dung hết sức cụ thể và thiết thực, ý nghĩa để từ đó giúp cho hộ hội viên, nông dân có điều kiện, cơ hội và có công cụ để tiếp tục tham gia lao động sản xuất”.
Thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều hình thức hỗ trợ trong chính sách giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no. Hội Nông dân thành phố và chương trình Tết Nghĩa tình tiếp sức bằng nguồn vốn vay ưu đãi, cùng với các điều kiện như chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng gừng, cải bẹ xanh, tặng công cụ sản xuất, máy bơm nước, hỗ trợ học bổng cho 2 con nhiều năm liền ..., nhờ đó mà gia đình ông Nguyễn Văn Liếu ở xã Qui Đức huyện Bình Chánh giờ đây đã vơi bớt khó khăn, từng bước vươn lên từ chính mảnh đất của gia đình mình. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Liếu chỉ là một trong số rất nhiều hộ nông dân được các cấp Hội hỗ trợ “cần câu” để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ năm 2019 đến 2022, số hộ nghèo, cận nghèo của các chi hội làm điểm là 91 hộ. Các hộ được chăm lo, hỗ trợ nhiều nội dung từ chương trình Tết Nghĩa tình của Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh với việc tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất, học bổng, hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ vì người nghèo, giới thiệu các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ vốn, tạo việc làm ổn định và việc làm thời vụ cho hội viên nông dân đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện mở rộng sản xuất để vươn lên làm giàu chính đáng.
Một trong những trường hợp được Hội Nông dân TP. HCM bảo trợ học tập cho đến năm 18 tuổi là bé Phạm Nguyễn Bảo Trân, sinh năm 2013, hiện là học sinh lớp 4/3 trường Tiểu học Xóm Chiếu, quận 4. Ba mẹ của em, những người đã nhiệt huyết tham gia công tác tình nguyện chống dịch tại địa phương, đều không may nhiễm Covid-19. Đau lòng thay, chỉ trong một tuần lễ giữa năm 2021, dịch bệnh đã cướp đi hai người yêu thương em nhất. Hiện nay, Bảo Trân cùng 2 người anh trai và một người em gái đã được chuyển đến sống với cậu ruột, người thay ba mẹ chăm sóc và dạy dỗ 4 anh em cho đến lúc trưởng thành.
Ngoài những chương trình thiết thực, các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ các Hội, đoàn, Nhà nước đã góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững tại TP. HCM đã hình thành nên các mô hình tự quản, tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo. Thông qua các mô hình này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ nghề, trợ vốn, hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng trọt… để vươn lên thoát nghèo bền vững.