Học tập chuyên đề giúp cán bộ đảng viên nắm rõ, hiểu thấu hơn tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh
Tham dự Hội nghị có ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, các đồng chí Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN, các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ, lãnh đạo các ban, đơn vị T.Ư Hội và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.
Hội nghị chuyên đề do PGS.TS Bùi Đình Phong – giảng viên cao cấp, chuyên gia Hội đồng Khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày.
Đây là Hội nghị nhằm thực hiện kế hoạch chương trình công tác năm 2022, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 01 – KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Kết luận số 21-KL/TW của Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”…
Đồng thời, Hội nghị chuyên đề cũng giúp cho cán bộ, đảng viên trong cơ quan hiểu rõ, sâu sắc thêm về các nội dung sau: Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Một số nội dung, giải pháp trọng tâm thực hiện Kết luật số 21; Sự cần thiết, mối quan hệ giữa việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 gắn với Chỉ thị 05.
PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng: Chúng ta cần nhận thức đầy đủ, hiếu thấu những quan điểm trong tư tưởng của Hồ Chí Minh. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc không phải là khẩu hiệu mà nó thể hiện bằng hành động, bằng ý chí tự lực, tự cường. Và điều đặc biệt nhất theo quan điểm của Hồ Chí Minh đó là ý chí tự lực, tự cường gắn với khát vọng phát triển đất nước, có thể hiểu một cách đơn giản: Ý chí - đó là quyết tâm sắt đá, là một nghị lực phi thường, quyết làm bằng được, thực hiện bằng được cái mục đích theo đuổi. Ý chí tự lực là quyết tâm tự mình làm lấy, không dựa dẫm vào ai. Tự cường là quyết tâm tự làm cho mình trở thành mạnh lên, không phải “cáo mượn oai hùm”. Còn khát vọng là gì? Khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh vô biên, tiềm tàng trong mỗi con người; nó thể hiện ý muốn cháy bỏng nhất về những giá trị cao quý, nó thúc đẩy con người thực hiện bằng được và không bao giờ từ bỏ. Theo ý nghĩa đó thì ý chí tự lực, tự cường chính là phương pháp tạo ra sức mạnh để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đại hội XIII đặt ra nhiệm vụ phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, cơ quan quản lý nhà nước và cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Đồng thời cũng kiên quyết xử lý nghiêm trong vấn đề suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh phải nhấn mạnh việc làm theo từng việc, phần việc cụ thể; gắn với trách nhiệm nêu gương thực chất. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; phải khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tinh thần "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau".
Trong học tập theo tư tưởng, quan điểm phong cách của Bác, mỗi đảng viên cần nắm vững nội dung và hiểu rõ những giá trị, ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đó là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của cách mạng Việt Nam được cụ thể hóa trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng thời là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, hình thành và nuôi dưỡng ý chí, khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với cường quốc năm châu.
Học và làm theo Bác không chỉ để mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân, mà qua đó, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng tiêu cực, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, để Đảng xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” như lời căn dặn trong bản Di chúc bất hủ của Bác.