Quỹ Hỗ trợ Nông dân giúp hội viên nông dân Thái Nguyên phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2025
Ngay từ đầu năm 2022, khi có Đề án bổ sung vốn điều lệ Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường công tác khảo sát để hướng dẫn Hội Nông dân cấp huyện xây dựng các dự án hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn, phát triển kinh tế. Trong đợt 1 năm 2022, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân với số tiền 7 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành giải ngân 6, 350 tỷ đồng cho 9 dự án tại 9 huyện, thành, thị.
Trong đó, dự án thấp nhất là 650 triệu đồng, dự án cao nhất là 1 tỷ đồng, cho 381 hộ vay phát triển kinh tế với các mô hình: Cải tạo chăm sóc chè an toàn; chăn nuôi bò nái sinh sản; trồng và chăm sóc rau màu, cây ăn quả chủ lực; trồng, chăm sóc rừng và chế biến lâm sản…
Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã giải ngân 2 dự án trồng, chăm sóc chè an toàn tại xã Tràng Xá, Võ Nhai và dự án nuôi gà thương phẩm tại xã Phấn Mễ, Phú Lương cho 30 hộ vay vốn, với số tiền 1,7 tỷ đồng; Giải ngân 700 triệu đồng cho 14 hội viên nông dân xóm Trầm Hương, xã Hà Châu, huyện Phú Bình tham gia dự án chăn nuôi bò thương phẩm. Sau khi được tập huấn và tiếp cận nguồn vốn, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Võ Nhai, Phú Lương quản lý nguồn vốn vay, hướng dẫn hội viên nông dân phát triển kinh tế, liên kết sản xuất, tiếp cận công nghệ thông tin hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo điều kiện để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.
Ngày 1/4 vừa qua, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên vừa giải ngân 700 triệu đồng cho 14 hội viên nông dân xóm Trầm Hương, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tham gia dự án chăn nuôi bò thương phẩm. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác theo các chương trình dự án cụ thể nhằm giúp đỡ bà con nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.
Ông Lê Đàm Ngọc - Phó Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại buổi giải ngân. Ảnh: Hà Thanh
Cùng với đó, chương trình nâng cao nhận thức và kỹ năng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân lên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Toản là hội viên nông dân xã Hà Châu được nhận tiền hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để chăn nuôi bò thương phẩm trong đợt này chia sẻ: "Gia đình tôi được vay nguồn vốn 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hiện gia đình đang nuôi 2 con bò thương phẩm. Đây là nguồn vốn vay rất thuận lợi để gia đình phát triển kinh tế. Với nguồn vốn vay này, gia đình dự định sẽ mua thêm con giống để phát triển quy mô chăn nuôi nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình," ông Toản cho biết.
Ông Nguyễn Viết Đài - Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu bày tỏ, sau chương trình hỗ trợ lần này, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ bằng nhiều dự án dành cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã Hà Châu phát triển. Ông Nguyễn Viết Đài cho rằng, địa bàn xã rất phù hợp cho phát triển chăn nuôi bò thương phẩm, do đó, ông mong muốn hội viên nông dân được tham gia hỗ trợ vay vốn sẽ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả trong phát triển kinh tế.
Bà Dương Thị Luyến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết, Quỹ Hỗ trợ Nông dân là nguồn vốn hỗ trợ nhằm giúp hội viên phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp đã hỗ trợ cho hội viên nông dân huyện Phú Bình với tổng nguồn vốn trên 5 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện theo đề án thực hiện nguồn vốn đầu tư công, đây là dự án án đầu tiên hỗ trợ cho hội viên nông dân Phú Bình với nguồn vốn 700 triệu đồng cho 14 hộ vay để chăn nuôi bò thương phẩm tại xã Hà Châu.
Người dân xóm Trầm Hương, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nhận tiền hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Ảnh: Hà Thanh
Đây là nguồn vốn hỗ trợ đắc lực giúp hội viên phát triển kinh tế và giúp các xã nâng cao tiêu chí nông thôn mới. Còn đối với nguồn vốn của huyện tập trung để phát triển các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn.
Cùng với đó là kết hợp chương trình tập huấn, chuyển đổi khoa học kỹ thuật nhằm giúp các hội viên có kiến thức để sản xuất. Đồng thời phối hợp với bưu điện thực hiện đưa sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lên sàn giao dịch thương mại điện tử giúp hội viên kết nối tiêu thụ sản phẩm và thực hiện dự án các tổ hợp tác, tổ liên kết, tổ hội nghề nghiệp của nông dân.
Hội Nông dân huyện Phú Bình cũng đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác xã có nhu cầu. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình cho hội viên đi tham quan, học hỏi mô hình các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi