Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương và các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, qua hơn ba thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi: Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, chân thành lắng nghe, chia sẻ và nỗ lực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thủ tướng cho biết, hiện nay tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo và tác động, ảnh hưởng sâu sắc trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong đó nổi bật là: Đại dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; xung đột ở Ukraine; giá dầu thô, khí đốt, hàng hóa cơ bản biến động mạnh; lạm phát tăng cao; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công và nguy cơ suy thoái kinh tế tiếp tục tăng; các vấn đề an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; chính sách kinh tế vĩ mô của nhiều nước thay đổi mạnh hoặc có cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 khác nhau...
Trong bối cảnh đầy “nhiễu động” đó, tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý… với tư duy: Tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.
Thủ tướng cho biết, vừa qua, nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định: kinh tế Việt Nam đi ngược lại xu hướng chững lại của châu Á, thế giới khi lạm phát ở Việt Nam tương đối thấp, tăng trưởng cao và điều chỉnh dự báo tăng trưởng cao hơn so với trước đó. KT-XH 8 tháng năm 2022: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn dự kiến kịch bản đặt ra, tương đương mức bình quân các năm trước dịch; Các cân đối lớn được bảo đảm; Nền kinh tế tiếp tục phục hồi: sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; du lịch sôi động trở lại.
Thủ tướng nhấn mạnh, có được những kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Ngược lại, Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn và có đóng góp nhiều hơn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng mong rằng tại Hội nghị này sẽ cùng nhau trao đổi, lắng nghe nhau để tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng đầu tư, hướng đến sự tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, nêu trực tiếp vấn đề trên tinh thần thẳng thắn, chân thành, cởi mở với quan điểm “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”; trong đó tập trung vào đánh giá, nhận định về bối cảnh, xu hướng trên thế giới và các tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam. Nêu những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh cả về cơ chế, chính sách cũng như trong triển khai thực hiện; từ đó, đề xuất các giải pháp.
Các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam trao đổi, giải đáp các đề xuất của các Hiệp hội, doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp, với tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị.
Những khó khăn, vướng mắc nào giải quyết được ngay thì có câu trả lời rõ ràng; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải pháp với lộ trình cụ thể để xử lý kịp thời, hiệu quả với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Theo VOV