Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hội hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng sầu riêng cho hội viên nông dân

Vân Hà - 08:02 22/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mới đây, Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Công ty Good Hoa Kỳ tổ chức hội nghị tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phục hồi cây sầu riêng sau khi thu hoạch và các loại cây khác cho hơn 80 hội viên nông dân, các xã viên hợp tác xã nông nghiệp; tổ viên, hội viên các tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn xã.
TIN LIÊN QUAN

Giao vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh cho hội viên tham gia dự án chăm sóc sầu riêng

Tại Việt Nam, cây sầu riêng đã được trồng làm cây ăn quả từ lâu, thời gian gần đây được quan tâm và đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mạnh trong nước và đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu. Sầu riêng đang là trái cây được nhiều thị trường trên thế giới tiêu thụ mạnh, là trái cây xuất khẩu chủ lực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD (tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023). Sầu riêng hiện chiếm tỷ trọng 65% trong nhóm các loại quả xuất khẩu. Nếu được trồng và chú ý đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các loại cây trồng khác.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ, cùng các lãnh đạo Hội cơ sở, nông dân tiêu biểu của 13 xã, thị trấn trong huyện tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Đỗ Lương Ý - nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại ấp Cam Tiên, xã Nhân Nghĩa.

Xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn, chất lượng sầu riêng ngon có tiếng trong vùng. Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, nhiều vườn sầu riêng tại xã Nhân Nghĩa đã bắt đầu cho thu hoạch. Như hàng năm, giá bán đầu mùa luôn được giữ ở mức cao, chính vì vậy đã mang lại thu nhập khá cho nông dân.

Để hỗ trợ hội viên nông dân trồng, chăm sóc và nâng cao chất lượng cho trái sầu riêng tại địa phương, ngay từ đầu năm 2024, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Đồng Nai tiến hành giải ngân nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh cho hội viên nông dân xã Nhân Nghĩa .

Theo ông Võ Chí Hùng - Trưởng ban Kinh tế xã hội tỉnh/Phó Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Đồng Nai, đây là nguồn vốn dành cho các hộ tham gia dự án "Chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ tại địa bàn xã Nhân Nghĩa” được giải ngân cho 10 hộ nông dân của xã Nhân Nghĩa, mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để đầu tư vào dự án thâm canh cây sầu riêng trong thời gian 36 tháng với lãi suất 0,55%/tháng. Thông qua dự án nhằm tạo điều kiện cho các hộ có vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu tư chăm sóc vườn cây ăn trái, vườn sầu riêng... phát triển kinh tế gia đình.

Vườn sầu riêng đang cho thu trái tại ấp Chính Nghĩa, xã nhân Nghĩa.

Ông Hà Văn Quế, Chủ tịch Hội Nông dân xã thay mặt Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa đã cảm ơn Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện và lãnh đạo địa phương đã quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên nông dân trong xã nói chung và các hộ tham gia dự án nói riêng, qua đó góp phần nâng cao vai trò của tổ chức Hội, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, xây dựng và lan tỏa các mô hình tổ hợp tác sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ông Hà Văn Quế cũng quán triệt đến các hộ vay về nguyên tắc, mục đích sử dụng vốn vay, quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất để người vay phát huy hiệu quả nguồn vốn. Thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra, giám sát đối với dự án theo định kỳ, đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả.

Hướng dẫn hội viên nông dân trồng và chăm sóc sầu riêng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật

Tại các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa phối hợp tổ chức, các chuyên gia khuyến nông đã hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho hội viên nông dân địa phương trồng sầu riêng quy trình kỹ thuật trồng sầu riêng. Theo các chuyên gia, quyết định khoảng cách trồng là rất quan trọng khi bắt đầu phát triển vườn sầu riêng. Bất kỳ tính toán sai nào sẽ có tác động bất lợi trong tương lai và không thể thay đổi được. Một số người trồng quá dày đặc với hy vọng sẽ nhồi được càng nhiều cây sầu riêng vào đất của họ càng tốt hoặc họ không cố ý làm như vậy.

Chuyên gia của Công ty Good Hoa Kỳ hướng dẫn hội viên nông dân xã Nhân Nghĩa kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng.

Các chuyên gia cũng nêu những khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khoảng cách hoặc mật độ trồng cây sầu riêng, theo đó:

Với 1ha tương đương 10.000m2, tùy vào quy cách trồng, người trồng có thể tính được sơ bộ số cây sầu riêng trên diện tích này.

+ Với mô hình trồng 8m x 8m: khoảng 150 cây/ha

+ Với mô hình trồng 7m x 7m: khoảng 200 cây/ha

+ Với mô hình trồng 6m x 6m: khoảng 270 cây/ha

+ Với mô hình trồng 5m x 5m: khoảng 400 cây/ha.

Tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con nên trồng khoảng cách phù hợp nhất là: 7m x 7m và 8m x 8m. Điều này giúp cây sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao và hạn chế những nấm bệnh phát triển.

Lợi ích của việc tăng khoảng cách trồng sầu riêng: Cải thiện khả năng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào tán cây do đó tăng cường giai đoạn sinh sản của cây. Điều này sẽ dẫn đến cải thiện sự phát triển của trái cây. Cho phép tán cây lưu thông không khí tốt hơn để ngăn ngừa nấm phát triển và sự xâm nhập, đặc biệt là đối với lá. Hạn chế khả năng di chuyển hoặc di chuyển của động vật rừng đặc biệt là sóc và khỉ. Điều này sẽ làm cho sáng kiến ​​lắp các tấm kim loại kẽm lên thân cây sầu riêng không hiệu quả.

Chăm sóc cây sầu riêng mới trồng: Che phủ, giữ ẩm cho sầu riêng sau khi trồng. Sầu riêng là loại cây ưa khí hậu nóng, độ ẩm không khí cao, không ưa khí hậu khô hanh. Nhiệt độ thích hợp cho cây sầu riêng phát triển nằm trong khoảng từ 22 – 30 độ C.

Sau khi xuống giống, nhà vườn nên tiến hành che phủ, giữ ẩm cho đất trồng bằng các loại vật liệu như rơm rạ, cành cây khô, thân ngô, thân chuối… để hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất mặt và không bị rửa trôi khi tưới nước. Lưu ý, vật liệu che phủ cách gốc 15-20cm để hạn chế thối gốc

Trồng xen canh cây che nắng, chắn gió: Sầu riêng là cây ưa sáng nên không trồng mật độ quá dày để cây đón được lượng ánh sáng đủ để sinh trưởng và phát triển. Khoảng cách phù hợp trồng xen canh là 9mx9m hoặc 10mx10m.

Hơn 80 hộ trồng sầu riêng xã Nhân Nghĩa được Hội Nông dân xã tập huấn kỹ thuật.

Ở giai đoạn cây con còn bé, nhà vườn nên tiến hành trồng xen canh thêm các loại cây trồng khác để che nắng, chắn gió cho sầu riêng con hạn chế rung lay gốc. Có thể trồng cỏ vetiver, muồng vàng, chuối… để vừa tạo nguồn sinh khối cắt tỉa che phủ tại chỗ; vừa che nắng chắn gió, cải tạo đất trồng vì đa số đất trồng sầu riêng được chuyển đổi từ các vườn trồng cây ăn trái lâu năm, cây công nghiệp nên đã bạc màu, thoái hóa, nghèo dinh dưỡng.

Tưới nước, bón phân: Sầu riêng sau khi trồng nên tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm cho đất; đặc biệt trong vòng 45 ngày đầu mới trồng. Không bón hay tưới phân bón tổng hợp (NPK) dễ gây xót rễ trong khi cây ra rễ non. Khi cây trồng đã được 45 ngày; tiến hành bón thêm phân hữu cơ, phun amino acid để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho cây.

Kích thích sầu riêng con ra rễ mới: Sầu riêng con khi vừa được chuyển từ bầu đất xuống vườn trồng cần thời gian để thích ứng với môi trường mới. Khả năng hấp thụ và tìm kiếm dinh dưỡng của rễ vẫn còn hạn chế. Vì vậy để sầu riêng con nhanh bén rễ nhà vườn nên sử dụng các loại sản phẩm để kích thích cây ra rễ non. Việc kích rễ được tiến hành kịp thời sẽ giúp cho sầu riêng con nhanh chóng thích nghi; hấp thu và chuyển hóa dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu nuôi cây, đi đọt.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác