Nông thôn mới

Hội Nông dân Kim Động phát triển chi, tổ hội nghề nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới

Đăng Hải - 08:07 09/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Phát huy hiệu quả những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên và con người địa phương, những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Kim Động (Hưng Yên) đã tích cực, chủ động, linh hoạt trong việc triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng và triển khai nhân rộng những mô hình điển hình, những cách làm hay

Tổ chức Hội Nông dân huyện Kim Động gồm 17 cơ sở Hội có 85 chi hội và 206 tổ hội với tổng số 33.324 hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội các cấp có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện nội dung Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam(khóa VII) về “Đẩy mạnh xây dựng Chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp”, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/HNDH, ngày 25/8/2020 về xây dựng Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện.

Hội Nông dân huyện đã tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, hiệu quả trong việc xây dựng Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp và những lợi ích của mỗi hội viên tới 100% cán bộ và trên 80% hội viên, nông dân; Hướng dẫn Hội cơ sở khảo sát, nắm tình hình sản xuất, những thế mạnh các ngành nghề, lĩnh vực ở từng địa phương và nhu cầu tham gia của hội viên, nông dân, từ đó đề xuất với cấp trên cho phép thành lập.

Để kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm trong cách vận động tuyên truyền và tháo gỡ những khó khăn cho hội viên trong quá trình hoạt động, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tiến hành sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình điển hình, những cách làm hay và triển khai nhân rộng tại địa phương.

Nhằm tạo điều kiện tối đa cho hội viên, nông dân khi tham gia vào mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện Kim Động đã tập trung khai thác các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp, Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn vốn khác; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức được 350 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 10.500 lượt hội viên nông dân để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập; tổ chức được 3 buổi tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cung ứng trên 1.114 tấn phân bón NPK Ninh Bình với số tiền trên 17 tỷ đồng, tổ chức được 10 buổi hội thảo đầu bờ về kỹ thuật trồng bưởi, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 250 lượt hội viên nông dân…

Theo ông Vũ Xuân Cương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Động, đến nay, toàn huyện Kim Động đã thành lập được 12 chi hội nghề nghiệp, 12 tổ hội nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, cây có múi, trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, cây rau màu,... những điển hình như: Mô hình chăn nuôi Vịt sinh sản tại xã Phạm Ngũ Lão; trồng cam theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Đồng Thanh; trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Xá; nuôi bò sữa tại xã Hùng An; Nuôi lợn nái quy mô công nghiệp tại xã Vũ Xá; Nuôi gà tại xã Nghĩa Dân; trồng bưởi xã Song Mai...

Hội Nông dân huyện đã kịp thời biểu dương những chi, tổ Hội tiêu biểu như: Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt sinh sản xã Phạm Ngũ Lão. Chi hội được vay 1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương, ban đầu có 31 thành viên, nay tăng lên 40 thành viên, diện tích từ 45ha lên 55ha, số lượng vịt từ 65 nghìn con lên 120 nghìn con. Giá xuất bán từ 6.000- 8.000 đồng/con, cho lãi khoảng 2 đến 3 triệu đồng/ngày, một số hộ thu lãi từ 5 - 7 triệu đồng/ ngày, tạo việc làm ổn định cho trên 100 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Ngô Thế Tranh (xã Phạm Ngũ Lão, Kim Động) được biết đến là nông dân đầu tiên của tỉnh Hưng Yên áp dụng mô hình nuôi vịt sinh sản trên cạn, đầu tư 9 máy ấp trứng cho doanh thu 250-300 triệu đồng/tháng.

Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà siêu trứng tại xã Chính Nghĩa, với diện tích sản xuất 2,5ha, quy mô chuồng trại trên 20.000m2, số lượng 60 nghìn con, mỗi ngày xuất bán hơn 45 nghìn quả, thu lãi mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng; chi hội trồng cây ăn quả xã Song Mai, ban đầu với 15 thành viên đến nay đã tăng được 50 thành viên.

Ông Nguyễn Hữu Tuệ, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 - Giám đốc HTX Chăn nuôi Nguyễn Gia (xã Chính Nghĩa) chia sẻ: "Hiện mỗi ngày HTX thu hoạch đều đều khoảng trên 4 vạn quả trứng mỗi ngày cho khách tại khắp các tỉnh, thành với giá khoảng trên 3.000 đồng/quả, đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng/ngày. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm công nghệ mới vào chăn nuôi như làm chuồng cho gà ăn tự động... mở rộng quy mô chăn nuôi gà đẻ trứng theo quy trình VietGAP cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho khách hàng khắp cả nước".

Ông Nguyễn Hữu Tuệ cho biết, hiện nay đơn vị của ông đang khai thác trứng từ 2 loại gà chính là gà công nghiệp và gà Ai Cập đạt khoảng trên 4 vạn quả/ngày. Ảnh Đăng Hải

Tổ hội nghề nghiệp trồng cây hoa màu, cây ăn quả xã Vũ Xá với 26 thành viên lúc đầu, đến nay đã tăng lên 35 hội viên, được thành lập với mục đích hoạt động là đoàn kết, giúp đỡ nhau, chia sẻ kinh nghiệm và tìm đầu ra cho các sản phẩm chủ yếu là cây dưa chuột, mướp, bầu trái vụ với diện tích trên 12 mẫu được trồng quanh năm, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm. Các hội viên đã liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Phát triển các chi, tổ hội thành các HTX, tổ hợp tác, đi đầu trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, nhiều chi, tổ Hội đã phát triển thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) như: HTX rau, củ, quả Đồng Thanh, HTX sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh xã Hùng An, HTX chăn nuôi & DVTM NN Phạm Ngũ Lão; HTX Dịch vụ và Thương mại nông nghiệp Thọ Vinh; THT trồng nhãn xã Hiệp Cường, THT chăn nuôi xã Ngọc Thanh, THT trồng cây có múi xã Đức Hợp, THT trồng hoa xã Chính Nghĩa, THT nuôi bò 3B xã Thọ Vinh…Các thành viên khi vào Hội còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những hộ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng cách hỗ trợ con giống, vật nuôi, chia sẻ kinh nghiệm…

Ông Đặng Văn Ứng, Tổ trưởng THT trồng nhãn ở xã Hiệp Cường (huyện Kim Động) xử lý nhãn cho quả trái vụ.

Theo ông Đặng Văn Ứng, Tổ trưởng THT trồng nhãn ở xã Hiệp Cường: “Ưu điểm của mô hình THT là số hội viên ít, được hình thành trên cơ sở lựa chọn, vận động những hội viên, nông dân cùng sản xuất một loại giống, cây, con…, có những điểm chung về sử dụng tư liệu, phương thức tổ chức sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản hàng hóa … nên dễ chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, khắc phục được cơ bản những hạn chế, khó khăn trong hoạt động của tổ hội”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Kim Động, vẫn còn tồn tại hạn chế trong xây dựng và hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp như: Kinh phí hoạt động còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện các nội dung công việc của Hội hiện nay, sức lan tỏa để nhân rộng mô hình chưa cao, nội dung, hình thức sinh hoạt chậm đổi mới…

Thành viên HTX rau, củ, quả Đồng Thanh chăm sóc cam – cây trồng chủ lực của HTX.

Ông Vũ Xuân Cương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kim Động đánh giá, để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Kim Động tăng cường việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng hội viên để có biện pháp giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh để thu hút nông dân vào Hội; Biểu dương khen thưởng kịp thời cho các chi, tổ hội nghề nghiệp, THT có thành tích trong công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội.

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX, nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân phát triển kinh tế; Hướng dẫn các chi, tổ Hội xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức các buổi sinh hoạt, tập huấn trao đổi kinh nghiệm, cung cấp kịp thời thông tin thị trường…

Đây đang là mô hình tập hợp, tuyên truyền, vận động nông dân có hiệu quả nhất, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác