Hội Nông dân Kỳ Sơn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân
Từ hoạt động hỗ trợ vật tư, kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân...
Do điều kiện đặc thù là huyện miền núi, phần lớn dân cư là các dân tộc thiểu số sống phân bổ rải rác nên việc tiếp cận thông tin có nhiều khó khăn hơn. Do đó, để phổ biến bất cứ việc gì ngoài tuyên truyền qua thông tin đại chúng, cán bộ Hội còn phải đến tận từng hộ gia đình trực tiếp hướng dẫn, vận động.
Những ngày đầu năm, trên địa bàn Nghệ An xuất hiện rét đậm, rét hại nhất là các huyện miền núi. Chính thời tiết dị thường này đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều gia đình. Dù đã được chính quyền, Hội ND các cấp kịp thời hướng dẫn bà con phòng tránh rét cho trâu bò nhưng cũng không tránh khỏi những thiệt hại rất lớn đến những hộ gia đình có đàn vật nuôi do giá rét gây ra. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có 800 con trâu, bò, lợn, dê do rét đậm rét hại vùa qua gây ra.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá nhiên liệu tăng cao đã làm gián đoạn các kênh tiêu thụ nông sản tại Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, sự mất cân đối giữa cung và cầu, cùng với sự cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước nên một số mặt hàng nông sản của địa phương, trong đó, lượng gừng đến kỳ thu hoạch bị tồn ứ khoảng 5.400 tấn.
Từ thực tế đó, Hội đã chủ động nhiều hoạt động như hỗ trợ bà con vật tư chống rét cho trâu bò, kết nối hỗ trợ hội viên tiêu thụ gừng ứ đọng… đều phải đến tận từng thôn, bản, từng hộ dân để nắm tình hình thực tế và hỗ trợ nhằm có những giải pháp tốt nhất để hạn chế tối đa những thiệt hại về tài sản cho người dân trên địa bàn.
Trước tình hình đó, toàn huyện đã thành lập 71 tổ nông vụ với 707 thành viên tham gia, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực, phù hợp trong bối cảnh hiện nay như: Giúp các hội viên nhiễm Covid -19 chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nông dân thu hoạch và vận chuyển, tiêu thụ nông sản…
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Hội đã kịp thời kêu gọi hỗ trợ hội viên tiêu thụ gần 45 tấn gừng và hiện nay việc kết nối vẫn đang được tiếp tục. Để tình trạng này không còn tái diễn ngoài những yếu tố khách quan, Hội cũng đã tuyên truyền bà con hạn chế trồng ồ ạt một loại cây mà có thể từ những diện tích đất đó chuyển sang trồng những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở từng vùng. Hoặc tập trung chăm sóc đàn vật nuôi vốn là thế mạnh đặc thù lâu nay trên địa bàn như gà đen bản địa, nuôi bò vỗ béo,…
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, cấp ủy huyện cho Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đến 21 cơ sở Hội, 191 chi hội với 8.615 hội viên
... Đến chú trọng hỗ trợ sinh kế cho hội viên
Để phong trào Hội ngày một phổ biến trong hội viên nông dân, Hội Nông dân huyện đã tiến hành nhiều hoạt động nổi bật nhưng trọng tâm vẫn là hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kinh tế nhằm phát triển phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi sâu rộng trên toàn huyện. Hội đã Ban hành Công văn số 393- CV/HNDH ngày 02/3/2022 về việc hướng dẫn đăng ký hội viên sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022. Đến nay, toàn huyện đã có 2350 hội viên đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022, đồng thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn hội viên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Hội cũng thường xuyên quan tâm hướng dẫn hội viên xây dựng phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Chỉ trong quý I/2022 Hội Nông dân huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các chuyên gia triển khai xây dựng 5 mô hình sinh kế tại xã Mường Lống và Mỹ Lý: Chăn nuôi bò vỗ béo 10 hộ tham gia, chăn nuôi gà đen theo hướng OCOP với 10 hộ tham gia; phục tráng vườn đào mận gắn với phát triển du lịch cộng đồng có 35 hộ tham gia; làm homestay 8 hộ tham gia.
Hội Nông dân cấp cơ sở đã triển khai hướng dẫn hội viên xây dựng mới 12 mô hình về phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi lợn đen, bò, gà đen; trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng rau sạch tại các xã: Tà Cạ, Mường Lống, Na Loi, Bảo Thắng, Na Ngoi.
Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền, giới thiệu mô hình; tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập mô hình được quan tâm triển khai thực hiện như: Tổ chức 1 hội nghị giới thiệu kết quả thực hiện Dự án Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số trong bối cảnh dịch Covid -19 tại huyện Kỳ Sơn với 80 lượt người tham dự. Tổ chức 4 buổi truyền thông về dự án tại 4 bản thuộc 2 xã Mường Lống và Mỹ Lý với hơn 100 lượt người tham gia; thường xuyên thông tin tuyên truyền về các hoạt động của dự án qua hệ thống loa phát thanh xã, bản đến người dân để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thu hút hơn 1000 lượt khách đến thăm quan du lịch tại Mường Lống.
Nhờ đó, công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Các cấp Hội Nông dân thực hiện nhiều công trình, phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới tạo khí thế thi đua sôi nổi ngay từ đầu năm.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân, chú trọng nguồn vốn vay giúp hội viên phát triển sinh kế. Bởi do có nhiều đặc thù của huyện miền núi nên Hội Nông dân huyện sẽ có những đề xuất để phù hợp với điều kiện thực tế nhằm đưa lại hiệu quả thiết thực nhất cho mọi hoạt động của Hội trong thời gian tiếp theo”, ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch Hội ND huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi