Công tác Hội

Hội Nông dân Nghệ An: Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bùi Ánh - 14:48 24/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 24/02, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các đại biểu, các ý kiến đóng góp của cá nhân và ý kiến của nông dân trong nhằm bổ sung những ý kiến cụ thể nhất để góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi.
TIN LIÊN QUAN

Chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; ông Nguyễn Quang Hòa - Hội đồng tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Thường trực Hội Nông dân tỉnh; Trưởng các ban Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân các huyện và đại diện các hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Bùi Ánh

Các vấn đề chính được quan tâm, tập trung cao

Mở đầu Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Quang Tùng  - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nêu cao tinh thần “vị trí, trách nhiệm, vai trò của Hội Nông dân về chức năng giám sát, phản biện và thể hiện vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên nông dân. Trong đó, tư liệu sản xuất của nông dân là đất đai, cuộc sống, sản xuất của hội viên nông dân là đất đai cho nên những vấn đề liên quan đến pháp luật về đất đai thì nó liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và sự phát triển nông nghiệp, đặc biệt là đời sống của hội viên nông dân.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã triển khai chủ trương này trong hệ thống Hội và bằng nhiều ý kiến khác nhau, Hội Nông dân tỉnh đã có những tổng hợp bước đầu ý kiến của Hội Nông dân các huyện, ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các hộ sản xuất kinh doanh tiêu biểu, hội viên nông dân trong tỉnh để tiếp tục bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Điều quan trọng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của tổ chức chính trị xã hội về những vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn”.

Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bùi Ánh

Do đó, ngày 15/2/2023 Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 09 về việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên nông dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hệ thống tổ chức Hội Nông nâng toàn tỉnh. Với mục đích phát huy vai trò, trách nhiệm, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, hội viên nông dân trong toàn hệ thống Hội tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao năng lực phản biện xã hội của các cấp Hội Nông dân.

Tại Hội nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến những vướng mắc đất đai và liên quan đến quyền lợi của người dân. Các ý kiến tập trung vào chương VI, Chương VII, chương IX, chương XV về các vấn đề như: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát với thực tiễn

Với phương châm tổ chức dân chủ, khoa học, công khai, chất lượng, thiết thực, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Quang Tùng đề nghị các đại biểu góp ý thẳng thắn với tinh thần, trách nhiệm cao, phát huy trí tuệ, tâm huyết nhằm đưa lại những ý kiến chuyên sâu hơn, có ý nghĩa cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Quang Hòa - Hội đồng tư vấn ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh tham gia góp ý. Ảnh: Bùi Ánh

Tại Hội nghị, các đại biếu tập trung vào các vấn đề về đất đai có liên quan đến tôn giáo, đất nghĩa trang nghĩa địa, việc chuyển đổi đất ở hộ gia đình, việc xác định giá đất để thu hồi GPMB, tái định cư; giao đất cho hộ gia đình; giao đất không thu tiền; giải quyết tồn đọng…

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Quang Hòa - Hội đồng tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho rằng, tại Điều 3 Khoản 10 cộng đồng dân cư… dự thảo quy định có cùng phong tục, tập quán hoặc chung dòng họ theo ý kiến đại biểu đề nghị bỏ nội dung quy định này bởi lẽ thực tế cộng đồng dân cư ở thành phố hiện nay gồm các gia đình quê quán khác nhau, tập quán, phong tục, dòng họ khác nhau cùng chung sống.

Cũng theo ông Hòa, tại Điều 211 tách thửa đất, hợp thửa đất Điểm b Khoản 1 quy định thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được cấp phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với đất liền kề có cùng mục đích sử dụng đất. Ở vấn đề này cần xem lại, giả sử tách thửa cho con có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu song đất liền kề là của người khác thì làm sao mà hợp thửa được?.

Ông Ngô Đình Tưu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Bùi Ánh

Ông Ngô Đình Tưu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu nêu ý kiến về hòa giải tranh chấp đất đai tại Điều 226. Theo quy định tại Điều 226 dự thảo: Hòa giải tranh chấp đất đai là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được nhà nước khuyến khích. Tuy nhiên Dự thảo chỉ quy định việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở tại Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp. Hiện nay, có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Cơ chế giải quyết bằng hòa giải thương mại sẽ được sử dụng nếu pháp luật có quy định. Do vậy, cần bổ sung hòa giải thương mại có thể được sử dụng trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng hòa giải…

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Chương tham gia thảo luận. Ảnh: Bùi Ánh

Ông Vi Văn Quý – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳ Hợp cho rằng, cần bổ sung vào Điều 17 của Dự thảo về Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, như sau: Có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Lý do Nhà nước đã cho hợp đồng các nhà tư vấn để đo đạc bản đồ, làm các thủ tục để cấp đất nhưng trên thực tế, đến nay, có nhiều xã, nhiều hộ gia đình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp, nếu để các cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tự đi làm hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà con không đủ trình độ, năng lực để làm.

Tại mục 2 Điều 43 Trường hợp điều ước quốc tế mà thêm vào chữ “NHÀ NƯỚC” Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao có quyền và nghĩa vụ theo điều ước quốc tế đó.

Ông Lê Quốc Tân - Chủ trang trại chăn nuôi tổng hợp huyện Hưng Nguyên tham gia góp ý. Ảnh: Bùi Ánh

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Quang Tùng cho biết: Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Các phát biểu đã đối chiếu rất kỹ ở thực tiễn và cung cấp nhiều thông tin hữu ích để việc góp ý phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đề nghị lãnh đạo Hội Nông dân các huyện tiếp tục lấy ý kiến hội viên với nhiều hình thức khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở tổ chức hội nghị. "Hội Nông dân tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến một cách khách quan, khoa học, sát với thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền theo quy định", ông Nguyễn Quang Tùng nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác