Ninh Thuận: Hội phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân với cấp ủy Đảng và chính quyền
Dự và chỉ đạo Đại hội có ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng dự đại hội có ông Trần Minh Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Trần Minh Lực, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng 228 đại biểu đại diện cho hơn 49.000 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Thuận có 111.294 hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong đó khu vực nông thôn có 97.198 hộ với 362.945 khẩu/126.600 lao động nông nghiệp. Trong nhiệm kỳ qua, đã phát triển 17.512 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 49.713 người. Hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở Hội, 398 chi hội và 1.033 tổ hội chiếm 39% so với lao động nông nghiệp.
Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong 5 năm qua, công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có bước phát triển và đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp Hội Nông dân đã phát huy vai trò nòng cốt của hội viên nông dân trong tham gia thực hiện thắng lợi 12/12 chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XVIII đề ra.
Từ năm 2018 đến tháng 12/2022, các nguồn vốn Trung ương và của tỉnh đã giải ngân 153 dự án với 48 tỷ đồng giúp cho 1.698 lượt hộ có điều kiện mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp ủy thác và tín dụng với các Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ước đạt hơn 1.724 tỷ đồng cho hơn 34.298 lượt hộ vay vốn.
Các mô hình sản xuất lúa giống 400ha liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp; liên kết sản xuất nho theo chuẩn VietGAP tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm… cho năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập ổn định, nên đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện nhiều; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 đến 2,5%/năm.
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm đạt 7,6%/năm (kế hoạch 6-7%) chiếm 38,35% thu nhập nội tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần xây dựng 2 huyện và 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 38 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân tiếp tục cải thiện, hàng năm hộ nghèo giảm từ 1,5 đến 2,5%.
Đại hội đã tiến hành tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023; kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VIII; báo cáo tổng hợp góp ý Văn kiện Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam.
Qua thảo luận, Đại hội xác định phương hướng nhiệm kỳ 2023-2028 là xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng giai cấp Nông dân; Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Với quyết tâm khắc phục một số hạn chế và phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, Đại hội đã đề ra 16 chỉ tiêu trọng tâm để phấn đấu trong nhiệm kỳ 2023-2028: Có 100% cán bộ, hội viên nông dân được tuyên truyền, phổ biến giáo dục; 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp; Có 97% cơ sở Hội trở lên hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ; 100% chi hội đảm bảo quỹ hoạt động hội; 97% hội viên tham gia bảo hiểm y tế; Vận động từ 650 hội viên trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; Hàng năm có từ 60% hội viên nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; Có 30% số hội viên trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; 100% hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; 100% cơ sở Hội xây dựng đượ mô hình về bảo vê môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Thành lập mới 70 tổ hội nông dân nghề nghiệp; Hỗ trợ thành lập mới 65 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; kết nạp từ 12.500 hội viên trở lên; bồi dưỡng nghề cho 5.000 hội viên; hỗ trợ ít nhất 150 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; tăng trưởng Quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận từng bước số hóa, quản lý hội viên thông qua ứng dụng công nghệ số; duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả; lấy lợi ích và nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân là mục tiêu. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, tín dụng; chú trọng đào tạo nghề cho hội viên nông dân theo phương thức "nông dân dạy nông dân".
Các cấp Hội cần phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng Nông thôn mới; Phát triển kinh tế tập thể, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch. Phát huy vai trò là cầu nối giữa nông dân với cấp ủy Đảng, chính quyền; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên nông dân.
Cũng tại Đại hội, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã biểu dương những kết quả đạt của hội viên, nông dân tỉnh trong nhiệm kỳ qua. Ông cũng đề nghị trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và của Tỉnh ủy về xây dựng tổ chức Hội và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân thời kỳ mới đến toàn thể hội viên, nông dân; chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua trong hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức hiệu quả các chương trình, đề án giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, phát triển, nhân rộng các hình thức canh tác kỹ thuật mới và liên kết theo chuỗi giá trị; các hoạt động kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, nâng cao thu nhập, đời sống, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 28 đại biểu; ông Lê Thanh Hùng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2023-3028.
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN làm việc với Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang