Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang: Mở rộng đầu ra cho nông sản sạch
Hoạt động này không chỉ giúp bà con nông dân tỉnh Tuyên Quang mở rộng đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Hiện nay tại 3 địa điểm: Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Tuyên Quang (tổ 16, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang); Trung tâm phân phối và bán lẻ thực phẩm Nông sản xanh Sáng Nhung (tổ 8 chợ Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang) và Điểm trên đường bờ hồ Tân Quang (cạnh Trung tâm Văn hóa, Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang) đang bày bán hàng trăm sản phẩm đáp ứng các điều kiện như: Nông sản sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; có giá cả hợp lý; do các cơ sở, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang sản xuất.
Bà Đào Thị Mai – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc xây dựng và phát triển những cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản thời gian vừa qua, đã góp phần tạo nên mô hình “Sản xuất - chế biến - tiêu thụ” nông sản khép kín cho nông dân Tuyên Quang mà các cấp Hội đang triển khai. Đây là việc làm rất thiết thực giúp bà con nông dân Tuyên Quang tránh được tình trạng “Được mùa mất giá”.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng - Giám đốc HTX Sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung đơn vị đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang để bán nông sản cho bà con nông dân tại Trung tâm phân phối và bán lẻ thực phẩm Nông sản xanh Sáng Nhung (tổ 8 chợ Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang) cho biết: 100% sản phẩm được bày bán tại Trung tâm đều là những sản phẩm được kiểm tra định kỳ, được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền; sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đã trải qua quy trình chọn lọc khắt khe từ nguồn giống, quy trình sản xuất, chăn nuôi cho đến quy trình giết mổ, sơ chế cũng như quá trình bảo quản và vận chuyển nên người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn.
Đến thăm các gian hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp và triển khai, ông Nguyễn Xuân Định – Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá rất cao việc bố trí các mặt hàng trong gian hàng, sự đa dạng của các mặt hàng nông sản, những sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn Ocop, hữu cơ đặc biệt các sản phẩm đều được gắn tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc đây sẽ là những “Điểm cộng” khi người tiêu dùng tới thăm quan và mua sắm.
“Trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ xây dựng các cửa hàng ở các huyện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản được tốt hơn cũng như người tiêu dùng có thêm những điểm mua sắm tin cậy và an toàn” bà Đào Thị Mai cho biết thêm.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi