Hội Nông dân tỉnh Yên Bái tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị
Thực hiện Quyết định số 480 và 481-QĐ/HNDT ngày 16 tháng 01 năm 2023, ngày 01/02/2023 Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Yên Bái giải ngân dự án "Trồng và chăm sóc quế" tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên. Chứng kiến buổi giải ngân có ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên; lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã. Dự án được phê duyệt với số vốn vay 500 triệu đồng cho 10 hộ hội viên nông dân vay, thời hạn vay 36 tháng. Phát biểu tại buổi giải ngân, ông Giàng A Câu đề nghị các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích theo dự án đã được phê duyệt để đạt hiệu quả cao nhất, tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, đồng thời là hạt nhân tuyên truyền, vận động ủng hộ Quỹ; hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng và chăm sóc quế, tiêu thụ sản phẩm...
Ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái; lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên; lãnh đạo Đảng uỷ, UBND xã Đông Cuông, huyện Văn Yên chứng kiến buổi giải ngân.
Trong 2 ngày 02 và 03/02/2023, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh tiếp tục giải ngân dự án "Trồng rừng quế" tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn với tổng số vốn là 300 triệu đồng cho 6 hộ hội viên nông dân vay; dự án "Nông dân làm du lịch gắn với du lịch nhà nghỉ cộng đồng homestay" tại thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu với tổng số vốn là 500 triệu đồng cho 10 hộ hội viên vay; thời hạn vay là 36 tháng.
Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh giải ngân dự án " Trồng rừng quế" tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn.
Chứng kiến buổi giải ngân có ông Hoàng Xuân Long -Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Chấn, huyện Trạm Tấu và lãnh đạo Đảng uỷ, UBND 2 xã. Phát biểu tại buổi giải ngân, ông Hoàng Xuân Long đề nghị các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích theo dự án đã được phê duyệt để đạt hiệu quả cao nhất; hỗ trợ nhau về kỹ thuật trồng và chăm sóc quế, kinh nghiệm về du lịch và tiêu thụ sản phẩm...
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh luôn chủ động phối hợp thành lập các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị, hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng và quản lý nhãn hiệu nông sản, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Các chính sách và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được Hội triển khai đúng mục đích, đúng đối tượng đã phát huy hiệu quả, thông qua các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi đã hình thành được nhiều vùng hàng hoá tập trung như: Dự án trồng bưởi Đại Minh, trồng cây khôi nhung tại huyện Yên Bình; Dự án nuôi ong lấy mật ở xã Minh Bảo; Dự án liên kết trồng tre măng Bát độ; Dự án sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu - nuôi tằm và chế biến kén tằm.
Các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã có sự tham gia của chủ đầu tư, đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia liên kết và người dân tham gia dự án. Thực hiện chương trình chuyển đổi số, các cấp Hội đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Post đưa 108 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ nông sản.
Để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao, năm 2022, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nghiệp vụ vốn vay cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn, dạy nghề cho hàng chục nghìn hội viên. Qua tập huấn, hội viên đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông, lâm nghiệp; sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Viet GAP; thực hiện việc dồn điền đổi thửa gắn với đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác…
Theo ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh: "Cùng với các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho hội viên, năm 2022, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân toàn tỉnh được 31 tỷ 092 triệu đồng. Trong đó, quỹ Trung ương Hội là 7 tỷ 041 triệu đồng; quỹ tỉnh là 13 tỷ 541 triệu đồng; quỹ cấp huyện, thị xã, thành phố là 10 tỷ 510 triệu đồng. Từ nguồn quỹ trên, Hội triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới đạt chuẩn OCOP; khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác… ".
Phát biểu tại buổi giải ngân, ông Hoàng Xuân Long đề nghị các hộ hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích theo dự án đã được phê duyệt để đạt hiệu quả cao nhất.
"Việc triển khai các dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân thực hiện đảm bảo đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã trực tiếp giải ngân được 26 dự án với số tiền 10 tỷ 730 triệu đồng. Trong đó, có 9 dự án trồng trọt (chiếm 34,6%); 17 dự án chăn nuôi (chiếm 65,45%)… Qua nắm bắt tại cơ sở cho thấy việc triển khai Quỹ Hỗ trợ Nông dân được chính quyền các địa phương đánh giá cao bởi đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của Hội Nông dân các địa phương…”, ông Long cho biết.
Cùng với việc triển khai hiệu quả nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật đối với các ngân hàng trong hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được Hội Nông dân các cấp đặc biệt quan tâm chú trọng.
Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp, hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất; xây dựng và phát triển các mô hình liên kết hợp tác, HTX phát huy hiệu quả kinh tế các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tạo thu nhập cao cho hội viên và nông dân trong tỉnh.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi