Công tác Hội

Hội Nông dân Việt Nam: Tăng cường về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số tại các địa phương

Mai Anh - 07:29 02/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 01/08, tại Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT (CN Lâm Đồng) triển khai chương trình hỗ trợ hội viên nông dân về khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, tại các địa phương.

Tăng cường chuyển đổi số tại các địa phương

Trong những năm qua, việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhiều chương trình, dự án đầu tư xây dựng cho nông thôn đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo nên bước ngoặt trong phát triển nông thôn. Diện mạo nông thôn khởi sắc, cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, xã hội thay đổi rõ rệt, đáp ứng một cách căn bản nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó kinh tế nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu lại nông nghiệp chưa đồng đều, nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, năng suất lao động thấp, thu nhập và đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm hơn 62% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc, 30% lao động nông nghiệp, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp của Việt Nam nhiều năm qua, do đó Chính phủ Việt Nam đã chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp nhằm tạo ra bước phát triển bứt phá về kinh tế và công nghệ.

Đồng thời triển khai các giải pháp xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia được ưu tiên. Tuy nhiên, nông dân hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo ông Hồ Quang Huệ - Phó Giám đốc VNPT Lâm Đồng: Việc Chuyển đổi số theo QĐ 749/QĐ-TTg được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là trong việc chuyển đổi số Nông thôn và Nông thôn Mới. Mục tiêu của VNPT Lâm Đồng mong muốn, 100% sản phẩm dịch vụ thế mạnh được quảng bá và tiếp thị và có thể giao dịch trên môi trường mạng, 100% nông dân được tiếp cận & cập nhật thông tin hỗ trợ sản xuất, canh tác, chăn nuôi qua kênh giao tiếp chính thức trên môi trường mạng và tiến tới việc người dân có thể thực hiện mọi giao dịch qua điện tử, không dùng tiền mặt,…”

Ông Hồ Quang Huệ - Phó Giám đốc VNPT Lâm Đồng triển khai kế hoạch tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chia sẻ: Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu, tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, tích cực động viên nhằm thay đổi thói quen của nông dân, sử dụng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không gian mạng và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Giải quyết các vấn đề về khởi nghiệp sáng tạo trong nông dân

Nông dân khởi nghiệp sáng tạo được hiểu là việc cá nhân hội viên nông dân hay tổ chức cơ sở Hội, chi Hội, tổ Hội thực hiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong nông nghiệp hoặc một số lĩnh vực khác để tạo ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mới có giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho chính bản thân cá nhân, tổ chức, người lao động, góp phần phát triển kinh tế và xã hội.

Thực tế việc hình thành các doanh nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại ... từ các chủ thể là hội viên nông dân đều đơn lẻ, tự phát, hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có sự liên kết để nhân lên sức mạnh, mở rộng qui mô và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, yêu cầu khởi nghiệp, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ, cần có sự chỉ đạo, định hướng, tư vấn, hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân Việt Nam.

Ngày 12/7/2020 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025”(Đề án 03-ĐA/HNDTW). Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đúng theo chức năng, nhiệm vụ. Gắn hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo với xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân ở nông thôn, các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

Với việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, hứa hẹn sẽ tạo ra sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử và kinh tế số. Với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.

Chuyển đổi trong nông nghiệp về lâu dài phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nền tảng số, dữ liệu số. Mọi chính sách phải hưởng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ở chiều ngược lại, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Thực chất đây là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp, hợp tác xã số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (loT), điện toán đám mây (Cloud)... nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa tổ chức. Tốc độ phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2021 bằng tốc độ của 5 - 6 năm trở lại đây cộng lại. Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia trong khu vực.

Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logistics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu.

Hiện nay, việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biển sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm...) chưa tương xứng với công nghệ số. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác