Diễn đàn mở

Đồng Tháp: Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán

Vân Nguyễn - 07:29 19/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 18/11, tại tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo "Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán" với 2 chủ đề: "Phát huy vai trò cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp" và "Hội quán tham gia bảo vệ môi trường, phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng và phát triển du lịch nông nghiệp".

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các đại biểu thảo luận, chỉ ra những hạn chế, để từ đó chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả và giá trị cộng đồng của Hội quán. Nhiều đại biểu cho rằng, sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên Hội quán còn hạn chế, tính liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực chưa bền vững. Nhiều mô hình sản xuất tại Hội quán được phát triển nhưng chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch còn hạn chế trong tham gia làm du lịch, tham gia bảo vệ môi trường tại nông thôn…

Ngành chức năng cần quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho các Hội quán. Tạo điều kiện để Hội quán tăng cường hoạt động cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể thông qua đẩy mạnh áp dụng công nghệ công tin, công nghệ số để tăng cường kết nối, mở rộng liên kết, phát triển sản xuất kinh doanh…

Ông Lê Thành Công, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Đồng Tháp phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thành Công, Trưởng Ban dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết: Từ khi ra đời đến nay, mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội quán đã giúp giải được bài toán “liên kết - hợp tác” giữa các nông dân với nhau, đây là mắc xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí - tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp được ra đời vào giữa năm 2016. Hội quán đầu tiên là "Canh Tân Hội quán" tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp được thành lập vào ngày 3/7/2016. Đây là Mô hình thành lập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của người nông dân và được xuất phát từ nhu cầu của chính của nông dân, do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập. Đồng thời, Hội quán là nơi chia sẻ chuyện đường làng - ngõ xóm, chuyện hợp tác - làm ăn, trồng cây này - nuôi con kia, rồi chuyện mua - bán nông sản...

Mô hình Hội quán đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội quán đã giúp giải được bài toán "liên kết - hợp tác" giữa các nông dân với nhau, đây là mắt xích quan trọng để thực hiện việc "mua chung, bán chung", góp phần "giảm chi phí - tăng chất lượng". Hội quán nông dân được xem là ngôi nhà chung của người nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp và mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Toàn tỉnh hiện có 145 Hội quán, với 7.580 thành viên, có 127/143 xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình Hội quán, Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: Sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch, sản xuất bột... Và đã thành lập được 35 hợp tác xã mới từ Hội quán. Qua đó cho thấy Mô hình Hội quán là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp từ "Lượng" sang "Chất".

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát huy cộng đồng cùng tái tạo nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Bình Thuận. Tại Hội thảo, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: Thuỷ sản là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Thuận; khai thác hải sản đã gắn với đời sống sinh kế, văn hoá, xã hội của hàng chục ngàn lao động tại 35 xã, phường, thị trấn và 7 huyện, thị xã, thành phố ven biển. Toàn tỉnh có 7.726 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; trong đó, tàu cá hoạt động vùng ven bờ là 1.884 chiếc. Vùng biển được giao quản lý của tỉnh ven bờ, lộng rộng trên 14.000 km2, kéo dài 192 km từ Cà Ná, Ninh Thuận đến Bình Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thời gian qua, nghề khai thác hải sản của tỉnh đang gặp những thách thức lớn, bao gồm: Nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, sinh kế người dân thiếu ổn định, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Một trong những nguyên nhân chính đó là tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại vùng biển ven bờ chưa được ngăn chặn triệt để.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang duy trì hoạt động của 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với 538 thành viên hộ gia đình. Trong đó, có 3 tổ chức cộng đồng tại huyện Hàm Thuận Nam được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, với diện tích vùng biển áp dụng là 43,4 km2. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động tái tạo, phát triển nguồn lợi thuỷ sản, nâng cao sinh kế cho người dân; công tác phòng chống, ngăn chặn hoạt động đánh bắt IUU là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng của các tổ chức cộng đồng. 

Mỗi tổ chức cộng đồng đều hình thành và xây dựng các Đội tuần tra/giám sát, Đội tuyên truyền.Tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam đã vận hành được mô hình "Đội giám sát cộng đồng IUU" do UBND xã phê duyệt thành lập, có nội quy tự quản, hoạt động bài bản, với sự tham gia rộng rãi của nhiều thành phần người dân tại địa phương. Thông qua việc trên, việc chống khai thác IUU ở vùng biển ven bờ sẽ mang hiệu quả cao ở những nơi có hoạt động của các "Tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản". 

Do người dân ở nơi này được giao "Quyền quản lý và khai thác" tại vùng biển ven bờ của địa phương họ. Việc chống khai thác IUU sẽ gắn liền với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, tức là gắn liền với thu nhập và sinh kế của ngư dân nên sẽ được họ hưởng ứng. Việc thực thi pháp luật sẽ không hiệu quả nếu thiếu đi vai trò hỗ trợ, giúp sức của người dân. Hoạt động giám sát của người dân là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Tin cùng chuyên mục
Tin khác