Hội viên nông dân Tuyên Quang tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Đổi mới, đa dạng, linh hoạt trong tuyên truyền, vận động
Thực hiện nhiệm vụ đột phá, đổi mới trong công tác bảo vệ môi trường, các cơ sở Hội triển khai thực hiện Đề án “Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn” và phát động phong trào thi đua “Nông dân chung tay thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật” đến hội viên nông dân; Đăng ký đảm nhận thực hiện mô hình “Phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn”. Các cấp Hội Nông dân Tuyên Quang đã vận động hội viên và nhân dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Mây, tre đan, túi giấy... hướng dẫn phân loại rác thải; xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải hữu cơ thành phân bón tại nguồn nhằm giảm chi phí thu gom rác thải và ô nhiễm môi trường. Xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa, tiến tới không dùng túi nilon, sản phẩm nhựa một lần.
Cán bộ Hội Nông dân các cấp tham gia cùng hội viên nông dân phường Ỷ La thu gom rác thải nhựa và bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh Lý Thịnh
Với mục tiêu trước tiên là tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự quản, tự giác của mỗi người dân, hộ gia đình trong việc phân loại rác, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường ngay tại nơi mình sinh sống, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân về tác hại của rác thải và chất thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt đối với môi trường; sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người, thông qua các cuộc sinh hoạt đoàn thể, họp nhân dân, hệ thống truyền thanh cơ sở, các lớp tập huấn, hội nghị, hội thi, trên các trang Thông tin điện tử của Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook... Từ đó, giúp người dân thấy được ý nghĩa thiết thực của Phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa" và tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện.
Hội Nông dân Tuyên Quang đã phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện nhiều bài viết, bài phóng sự về hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt, chống rác thải nhựa ở cơ sở. Thông qua trang thông tin điện tử, bản tin nội bộ, Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường truyền thông về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường.
6 tháng đầu năm 2021, Hội Nông dân Tuyên Quang đã đăng tải trên 800 tin, bài trên trang thông tin điện tử của Hội và phát hành 1.900 bản tin nội bộ đến tất cả các chi hội. Các tin, bài có nhiều nội dung tuyên truyền về hưởng ứng phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”, các cấp Hội đã vận động gần 13.400 lượt nông dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng hạ tầng nông thôn.
Hỗ trợ, vận động xây dựng hàng ngàn hố ủ, lò đốt rác tại cơ sở
Hội Nông dân các cấp tỉnh Tuyên Quang phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ kinh phí và vận động xã hội hóa hỗ trợ ban đầu cho một số mô hình, hộ gia đình mua xe chở rác, xô đựng rác theo phân loại, xây lò đốt rác, bể ủ rác hữu cơ; vận động xã hội hóa thuê các đơn vị vận chuyển rác đến thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt của các hộ dân về bãi rác tập trung... Tính đến nay đã đóng góp xây dựng được 4.533 bể, hố ủ rác hữu cơ, 2.886 lò, hố đốt rác tại hộ gia đình, khu dân cư, từ đó phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Ông Vũ Văn Thiệu, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Tuyên Quang cho biết: Các cơ sở Hội trên địa bàn thành phố đã duy trì khá tốt việc vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thu gom bao bì bảo vệ thực vật ở các cánh đồng. Năm 2021, Hội Nông dân thành phố tiếp tục duy trì tốt hoạt động thu gom bao bì bảo vệ thực vật. Đồng thời, triển khai thêm 2 nội dung mới là thu gom rác thải nhựa, túi nilon tại đồng ruộng, khu vực kênh mương; phân loại, xử lý rác thải nông nghiệp và rác sinh hoạt hữu cơ thành phân bón.
Bước đầu, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân phường Ỷ La triển khai mô hình điểm - Mô hình Chi hội Nông dân tự quản “Đồng ruộng sạch, sản xuất an toàn” tại tổ 5, phường Ỷ La. Sau đó, Hội sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả, điều chỉnh quy chế hoạt động phù hợp, theo hướng thiết thực, duy trì hiệu quả mô hình để nhân rộng ra các xã, phường còn lại, trong đó khuyến khích triển khai ở các vùng chuyên canh trồng rau, hoa ở các phường: Tân Hà, Hưng Thành, Nông Tiến...
Ông Nguyễn Đại Phong, Tổ trưởng tổ tự quản tại tổ 5, phường Ỷ La chia sẻ: “Tổ có 80 thành viên, đây là những “hạt nhân” cùng đoàn kết chung tay thực hiện tốt việc tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình nêu cao ý thức trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, thu gom bao bì để vào bể chứa theo quy định. 100% thành viên cam kết không sử dụng thuốc trừ cỏ và chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp. Các thành viên thống nhất lắp đặt 2 bể chứa ủ rác hữu cơ, mọi người cùng trách nhiệm mang cỏ, rác hữu cơ ra ủ tạo phân bón hữu cơ. Hàng năm, các thành viên thực hiện ít nhất 2 đợt tổ chức phát dọn đường nội đồng, thu gom rác thải nhựa...”.
Một số hình ảnh hoạt động của cán bộ, hội viên nông dân Tuyên Quang tham gia bảo vệ môi trường. Ảnh: Hội ND Tuyên Quang
Có rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường được thực hiện hiệu quả như Hội Nông dân xã Lực Hành (Yên Sơn) với mô hình "Xử lý rác thải, chất thải bằng biện pháp sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại làng nghề bột miến dong". Thôn Đoàn Kết, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) vận động nhân dân đóng góp xây dựng được 1 lò đốt rác tập trung và 1 bể chứa rác tập trung, rác hữu cơ được ủ để các hộ gia đình trong thôn làm phân bón cho cây trồng; rác vô cơ được các hộ dân đốt hàng tuần, như vậy sẽ không phải xây bể chứa, ủ rác, đốt rác ở từng hộ gia đình, tiết kiệm được chi phí và việc đốt rác ở nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường không khí. Hộ gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình (Lâm Bình) tự nguyện sử dụng xe ô tô cá nhân nhận vận chuyển rác miễn phí cho các hộ dân trong thôn.
Bà Đỗ Hồng Hạ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Tuyên Quang cho biết: Thực hiện phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh” là một trong 4 nhiệm vụ đột phá, đổi mới năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho Hội Nông dân Tuyên Quang. Bám sát nhiệm vụ được giao đó, Hội Nông dân tỉnh đã nhấn mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của rác thải nhựa; trách nhiệm của hội viên nông dân về phân loại rác thải tại nguồn để có phương án xử lý... Phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu 100% hộ gia đình hội viên nông dân được tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn và tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường. 100% các cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 mô hình “Phân loại và xử lý rác thải nông nghiệp, rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.