Hợp tác xã nông nghiệp ở Lào Cai khó khăn trong tiếp cận vốn vay
Hợp tác xã Nậm Dù ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng là một trong những mô hình kinh tế tập thể trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật lớn của tỉnh Lào Cai.
Mới thành lập được 3 năm, hợp tác xã đã tạo ra doanh thu gần 40 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 200 lao động. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải khoác chiếc áo rủi ro cao vì hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là lý do chính khiến việc tiếp cận với đòn bẩy tài chính gặp phải hàng loạt rào cản như: thủ tục rườm rà, lãi suất cao, thời hạn vay ngắn.
Ông Cao Xuân Chiến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Chỉ vay được nguồn vốn thấp thì không thể cho ra sản phẩm số lượng lớn đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngay ở trong địa bàn thôi đã khó vì họ tiếp cận tài chính dễ hơn, vay được nhiều tiền hơn. Như chúng tôi có rất nhiều ràng buộc, quan trọng nhất là phải thế chấp nhưng tài sản của hợp tác xã chủ yếu là đất nông nghiệp nên các ngân hàng không mấy mặn mà".
Cách đó không xa, Hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến, xã Xuân Quang cũng đang phải đối mặt với khó khăn tương tự. Để duy trì đàn nuôi quy mô trên 80.000 con gia cầm, mỗi ngày đơn vị phải trang trải 60 triệu đồng tiền vốn lưu động nhưng hầu như đều dựa vào tự lực của các xã viên. Muốn mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh là vô cùng khó khi các nguồn vốn tín dụng nằm ngoài tầm với.
Ông Phan Nhật Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã cho biết: "Hợp tác xã chúng tôi liên kết các hộ gia đình lại nhưng khi làm việc với các tổ chức tín dụng thì người ta nói rằng quyền sở hữu tài sản là chung, phụ thuộc vào Hội đồng quản trị. Mà như vậy ngân hàng họ cho rằng tính quyết đoán không cao nên khả năng huy động vốn thông qua kênh hợp tác xã rất khó".
Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 250 hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên chỉ có trên 60% hoạt động hiệu quả. Phải chăng việc khó khăn với tiếp cận vốn vay cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến hiệu quả, vì muốn làm bất cứ thứ gì cũng cần đến tài chính.
Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai: "Chúng tôi mong muốn đối với các hợp tác xã cũng cần có những cơ chế, chính sách đặc thù trong tiếp cận vốn vay; làm sao để các đơn vị có điều kiện thuận lợi trong giao dịch với các tổ chức tín dụng, từ đó có nguồn lực phát triển kinh tế trong thời gian tới".
Rõ ràng, không có đòn bẩy tín dụng sẽ khiến các hợp tác xã rơi vào thế “đông nhưng không mạnh”, kém cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh việc thúc đẩy đổi mới phương thức hoạt động theo hướng liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị thì tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn vay cho các hợp tác xã cũng phải là nhiệm vụ cần ưu tiên.
Theo VOV