Nông thôn mới

Hưng Yên: Nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm OCOP

Nguyễn Khuê - 10:24 18/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mô hình HTX sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên) với diện tích trang trại 5ha, trong đó diện tích nhà lưới 8.000 m². Mỗi năm HTX sản xuất gần 100 tấn dưa lưới, dưa chuột. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP của tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX đạt doanh thu 3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tự động hoá  

Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát được thành lập năm 2017 với 7 thành viên, có tổng diện tích khu sản xuất là 5ha, trong đó diện tích nhà lưới có 8000 m2, hàng năm, Hợp tác xã sản xuất gần 100 tấn dưa lưới, dưa chuột, sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao. Bình quân một năm, Hợp tác xã đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động và trên 20 người lao động thời vụ.

Ít ai biết rằng trước khi có được những mùa vụ bội thu dưa lưới như hiện tại, anh Bùi Văn Phương Giám đốc HTX An Thịnh Phát đã từng trải qua nhiều vụ trồng thất bại, tưởng chừng phải bỏ cuộc. Năm 2016, anh Phương thất bại ngay từ vụ đầu tiên do chủ quan với thời tiết. Toàn bộ diện tích dưa lưới 400m2 trồng trong nhà màng bị đổ sập chỉ sau một trận bão. Hai vụ tiếp theo, anh Phương vẫn liên tiếp thất bại do chưa nắm vững kỹ thuật trồng dưa và chưa đầu tư bài bản.

Đến cuối năm 2018, anh Phương dự tính trồng dưa lưới để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Nhưng do thời tiết mùa đông lạnh, số ngày có nắng ít không thích hợp cho cây dưa lưới sinh trưởng, phát triển nên cây hỏng gần hết.

Trong lúc loay hoay chưa tìm ra cách khắc phục khó khăn sau những thất bại liên tiếp, anh Phương quyết tâm mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2018, anh Phương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên động viên, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, giống, thuốc bảo vệ thực vật... Đặc biệt, anh được tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng.

Nhiều năm nay, HTX ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa lưới, dưa vàng trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, đem lại sản phẩm tươi ngon, chất lượng, bảo đảm an toàn. 100% diện tích sản xuất của HTX được ứng dụng công nghệ cao, từ khâu chọn giống, gieo hạt, ươm mầm, đến trồng thương phẩm.

Hiện tại, HTX An Thịnh Phát có khoảng 5.000m2 nhà màng trồng 6 giống dưa lưới khác nhau với mật độ khoảng 2.400 – 2.600 cây/1.000m2. Ảnh: Hưng Giang.

Nhờ luôn quan tâm đến việc sản xuất sạch, an toàn, năng suất và giảm nhân công lao động nên việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới, được ưu tiên hàng đầu. Tại HTX, công nghệ cao được ứng dụng từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu để trồng cây; việc bón phân; tưới tự động; theo dõi sinh trưởng; điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ… Người lao động trong các nhà màng, nhà lưới của HTX chủ yếu làm nhiệm vụ cắt tỉa cành lá dư thừa và thu hoạch, các khâu còn lại cơ bản đã được tự động hóa.

HTX đang có khoảng 5.000m2 nhà màng trồng 6 giống dưa lưới khác nhau với mật độ khoảng 2.400 – 2.600 cây/1.000m2. Mỗi cây dưa lưới trồng trong một bầu giá thể, được lót bạt cao su cách ly với nền đất. Đồng thời, bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động. Dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 80 - 100 ngày, năng suất trung bình đạt từ 3 - 3,5 tấn/1.000m2. Hiện sản phẩm dưa lưới của anh đều đã được chứng nhận VietGAP. Sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu, mua tại vườn với giá ổn định, tiêu thụ mạnh tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Cùng với đó, tôn chỉ hoạt động của HTX là tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lấy chất lượng làm đầu, không sử dụng thuốc hóa học, không để tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất bán. Để làm được điều đó, HTX luôn ghi chép đầy đủ tỉ mỉ công việc hàng ngày và của từng công nhân làm việc. Anh Phương dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng tối đa 1ha nhà màng để trồng dưa lưới.

Cần mở rộng quy mô, liên kết và "lên sàn" thương mại điện tử

Theo anh Phương, để trồng dưa lưới thành công thì nông dân cần có 4 yếu tố: Diện tích đất; nguồn vốn; khoa học kỹ thuật và sự năng động, tâm huyết, chịu khó học hỏi... Nếu thiếu 1 trong các yếu tố đó thì trồng dưa lưới sẽ dễ thất bại. Dưa lưới là loại cây khó tính, do đó việc chăm sóc phải đúng khoa học kỹ thuật, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu, từng giai đoạn phát triển.

Về chi phí sản xuất, đối với đầu tư cố định ban đầu, chi phí bình quân khoảng 600 triệu đồng/1.000m2 (bao gồm đầu tư xây dựng nhà màng, hệ thống bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được dẫn đến tận gốc theo đúng mức độ yêu cầu và hoàn toàn tự động, giá thể, dây leo…) và chi phí sản xuất mỗi vụ bình quân khoảng 50 triệu đồng/vụ/1.000m2 (gồm chi phí hạt giống, phân bón, giá thể, điện, nước...).

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết: “Việc trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh đang được phát triển trong vài năm gần đây. Nhìn chung việc sản xuất và tiêu thụ dưa lưới trên địa bàn tỉnh có khởi đầu rất khả quan, mang lại thu nhập tốt và đầu ra ổn định”.

Từ năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017 - 2020”. Tỉnh cũng xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nhằm nhanh chóng đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra những sản phẩm OCOP có giá trị cao tại địa phương.

Cũng theo ông Kiên, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới ở tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tận dụng được phế phụ phẩm nông nghiệp, góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tạo điều kiện phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Ngoài ra, từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức, tham gia đầu tư và có kỹ năng điều hành sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao hiểu biết về giá trị mà các ứng dụng đã và đang thực hiện.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên thăm Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát.

Tới thăm quan mô hình sản xuất của HTX An Thịnh Phát, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đã biểu dương và đánh giá cao mô hình của HTX đã sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa gợi mở, trong thời gian tới, HTX cần mở rộng qui mô, liên kết với các hộ, tạo thành các vệ tinh để nâng cao sản lượng, từng bước tiếp cận, chào bán ở các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Đồng thời có kế hoạch phát triển các giống cây trồng mới đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác