Huyện Củ Chi phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao
Nhiều tiềm năng phát triển
Huyện Củ Chi là cửa ngõ phía Tây Bắc, là địa thế quan trọng để kết nối thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ,… Củ Chi còn có hơn 50km hành lang sông Sài Gòn. Đây là tiền đề để Củ Chi trở thành một đô thị sinh thái, với lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn, Củ Chi sẽ là địa phương rất có tiềm năng phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, …
Với những lợi thế trên, thời gian qua lãnh đạo UBND huyện, các ban, ngành đã tích cực phối hợp với các nhà đầu tư, khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố đơn vị đầu tư phát triển cơ sở chế biến nông sản, chế biến thức ăn tinh phục vụ chăn nuôi, phát triển một số doanh nghiệp có khả năng thực hiện liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, rau an toàn, bò sữa.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết: Đặc trưng của Củ Chi là nông nghiệp, du lịch sinh thái, vì vậy Củ Chi sẽ phát triển theo hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông nghiệp nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh… Củ Chi còn có rất nhiều đặc sản mà những nơi khác không có được, khi du khách đến với Củ Chi sẽ được tham quan các điểm sinh thái, nhà vườn, địa đạo Củ Chi kết hợp với các điểm nông trại xanh, khu nông nghiệp công nghệ cao, tour du lịch đường sông đến địa đạo Củ Chi và các điểm sinh thái, vườn cây trái ven sông Sài Gòn. Tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” tại Củ chi kết hợp với các làng nghề truyền thống”.
Theo đại diện Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố cho biết, đến nay, đã có hàng chục dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tư đóng trên địa bàn huyện Củ Chi. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất hạt giống rau, xử lý trái cây bằng nhiệt, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất cây giống và rau thương phẩm, sản xuất hoa lan và cây cảnh, chế biến, bảo quản nông sản, mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp…
Trong thời gian tới, khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố trở thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong trên cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững trước yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng giảm quy mô nhưng lại tăng về giá trị, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Những mô hình có giá trị kinh tế cao
Những năm vừa qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền rất nhiều doanh nghiệp đã chọn Củ Chi làm nơi khởi nghiệp, phát triển các mô hình như: Trồng cấy mô invitro cây lan Hồ điệp, trồng nấm linh chi, nuôi cá cảnh xuất khẩu… mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng kỹ thuật mới để phát triển làng nghề bánh tráng như Cơ sở bánh tráng Thành Danh tọa lạc ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.
Bà Võ Thị Bích Hạnh - Chủ Cơ sở Bánh tráng Thành Danh cho biết: “Từ những ngày đầu được hình thành, ở đây chỉ là một cái lò tráng bánh thủ công, mỗi ngày làm hết công suất cũng chỉ được khoảng 200kg bánh, số bánh làm ra này chỉ đủ phục vụ cho người dân địa phương. Chỉ ít năm sau, số lượng khách hàng đặt hàng ngày một tăng, sản lượng làm ra không đủ cung ứng cho thị trường, từ kinh nghiệm thực tế, gia đình chị đã chế tạo thành công “độc quyền” dây chuyền sản xuất bánh tráng, nâng công suất lên 10 tấn bánh tráng mỗi ngày. Hiện Cơ sở bánh tráng Thành Danh đang sản xuất 24/24, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân, cung cấp bánh tráng cho các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu các nước như Pháp, Nhật, Hàn,...”
Làng nghề làm bánh tráng tại Củ Chi đã có từ hơn 100 năm nay, đây cũng nghề đã giúp gia đình tôi thoát nghèo. Từ hơn 10 năm trở lại đây, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ nghề bánh tráng, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì vậy, để tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, chúng tôi đang từng bước tiến đến mở rộng sản xuất, đáp ứng đủ nguồn cung trong nước cũng như thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống sẽ góp phần đa dạng nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ cho làng nghề được bảo tồn mà còn có cơ hội vươn xa hơn - Bà Võ Thị Bích Hạnh, Chủ Cơ sở bánh tráng Thành Danh chia sẻ thêm.
Còn tại vườn kiểng của ông Trịnh Minh Tân, xã Tân Thông Hội, Củ Chi. Với hơn 5 ha, được ông Tân ươm trồng hơn 100 giống cây các như: Mai chiếu thủy, sứ Thái, Vạn Niên Tùng và các cây nội thất, cây lá màu, … Hàng tháng, vườn kiểng cung cấp ra thị trường trên 1.000 cây cảnh các loại.
Ông Trịnh Minh Tân chia sẻ: Từ những ngày đầu rời Bến Tre lên Thành phố lập nghiệp, vợ chồng tôi chọn Củ Chi làm “bến đỗ” cho vườn cây của mình, vì đất khu vực này màu mỡ, rất tốt, nguồn nước cũng phù hợp để trồng cây nên ông đã quyết định chọn làm nơi lập nghiệp. Ban đầu vợ chồng tôi chỉ đủ tiền mua 2ha, với hơn 30 năm gắn bó với nghề tại vùng “Đất thép thành đồng”, đến nay đã mở rộng quy mô lên 8ha, tiêu thụ chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội, đem lại doanh thu ổn định khoảng 20 tỷ đồng/năm.
Ông Trịnh Minh Tân thường xuyên tham gia đóng góp cho các chương trình “Tết làm điều hay” do Hội Nông dân Thành phố tổ chức, thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội do Hội Nông dân Huyện, Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương phát động. Hàng năm, Ông được tuyên dương gương “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Gần đây nhất, năm 2016, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2018, Trung ương Hội Nông dân Viêt Nam tuyên dương ông là “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhận định: “Hiện nay quỹ đất nông nghiệp tại các thành phố và tỉnh công nghiệp lân cận TP.HCM đang dần thu hẹp, người nông dân sản xuất nông nghiệp đã đang tiếp cận phương pháp sản xuất của nền kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, vai trò Hội Nông dân ngày càng phải được làm mới và nâng cao, Hội Nông dân TP.HCM được xem như “đầu tàu” để kết nối, hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo cụm nhằm phát triển nông nghiệp đô thị đặc thù phù hợp với bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm như TP.HCM và các tỉnh công nghiệp như hiện nay”.
Để Củ Chi trở thành một đô thị sinh thái, vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, và định hướng đến năm 2030, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM là nơi dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của TP.HCM và khu vực phát triển theo hướng hiện đại thì việc đưa các nghiên cứu vào ứng dụng, phổ cập trong thực tế, tạo hiệu quả trong thực tế là việc cần làm.