Kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân
Xây dựng sự hợp tác bền chặt giữa các bên
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân luôn là mục tiêu xuyên suốt của ngành Nông nghiệp trong nhiều năm qua.
Để xây dựng sự hợp tác bền chặt, hữu cơ giữa các tổ chức KH&CN công lập ngành Nông nghiệp với các tổ chức, cá nhân khu vực tư nhân, ngày 9 – 10/7/2024, tại khuôn viên Trụ sở Bộ NN&PTNT (số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), Bộ NN&PTNT tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các Viện, Trường, doanh nghiệp với 8 chủ đề: Trồng trọt - bảo vệ thực vật; Chăn nuôi - thú y; Lâm nghiệp; Thủy sản; Thủy lợi - phòng chống thiên tai; Cơ điện - công nghệ sau thu hoạch; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Khối các Trường Đại học, Cao đẳng.
Nhiều thành tựu KH&CN mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của Diễn đàn, gồm: Giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.
Diễn đàn kết nối sản phẩm KH&CN với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân được tổ chức vào chiều ngày 10/7/2024 tại Bộ NN&PTNT. Gần 200 đại biểu đến từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài Bộ, các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các hợp tác xã, tổ chức quốc tế đã đăng ký tham gia toạ đàm.
Toạ đàm là không gian để các đại biểu, diễn giả kết nối, chia sẻ, trao đổi, thảo luận để đi đến hợp tác bền chặt, cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm KH&CN và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải và phát triển bền vững.
Các diễn giả tham gia tọa đàm là các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực Nông nghiệp như GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam; Ông Trần Trung Đức, Chủ tịch, Giám đốc Hợp tác xã Chuối VIBA; TS. Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu; TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hợp tác để kết nối, nâng cao thu nhập cho nông dân
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ với doanh nghiệp, nhà khoa học về thị trường nông sản và con đường phát triển. “Mình nghĩ mình đam mê, mọi người cũng đam mê. Không phải vậy. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với các nhà khoa học
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh về câu chuyện sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, trong đó khẳng định tất cả phục vụ mục tiêu cốt lõi là nâng cao thu nhập cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần “hợp tác để kết nối” và hiểu đúng khái niệm “Thị trường Khoa học Công nghệ”.
Trong khuôn khổ của Tọa đàm đã diễn ra các lễ ký kết chuyển giao sản phẩm khoa học, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và các đại biểu. Đó là:
-Công ty TNHH Cường Tân và Trung tâm Tài nguyên thực vật – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam ký kết Hợp đồng hợp tác phát triển giống lúa thuần LH12.2.
-Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất Thành Tâm và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam ký kết Hợp đồng cung cấp dịch vụ, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghiệp rừng, chế biến và bảo quản lâm sản.
-Công ty TNHH thương mại và vận tải Trường Phú Quý và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ký kết Hợp đồng phát triển trồng lúa kết hợp nuôi rươi bền vững.
-Công ty TNHH Thuỷ sản Đắc Lộc và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III ký kết Hợp đồng nghiên cứu, khảo sát và xây dựng chương trình thúc đẩy hoàn thiện, phát triển nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống tôm hùm tại Việt Nam.
-Công ty TNHH Quan Minh và và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo phát triển nuôi biển, các đối tượng: Nhuyễn thể, cá biển.
-Công ty TNHH Thanh Tùng và Viện Viện Nghiên cứu Hải sản ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phầm trong lĩnh vực Chế biến thủy sản; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
-Công ty TNHH Việt Trường và Viện Nghiên cứu Hải sản ký kết Hợp đồng nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phầm trong lĩnh vực chế biến thủy sản.
-Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ Tách ép và Khử đắng nước cam sành đóng lon; Công nghệ tách chiết nước chuối trong đóng lon.
-Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng ứng dụng cho quả (vải, nhãn) phục vụ xuất khẩu, quy mô 1.000 tấn/năm.
-Công ty Cổ phần Eco Hòa Bình với Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ trích ly bột chè hòa tan từ cây chè Shan tuyết với quy mô 600 tấn chè tươi/năm.
-Công ty CP Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L (DLCORP) và Trường Đại học Thủy lợi ký kết Phối hợp xây dựng, hoàn thiện các giải pháp phục vụ quản lý tài nguyên nước, quản lý, giám sát an toàn hồ đập, điều hành vận hành hồ chứa, cảnh báo ngập lụt, số hóa hệ thống công trình thủy lợi.
Chuỗi sự kiện lần này sẽ là cầu nối để hình thành và phát triển và lan toả nhiều ý tưởng, dự án hợp tác nghiên cứu chuyển giao, thu hút được mọi nguồn lực xã hội để đồng hành với ngành nông nghiệp và bà con nông dân, mang những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.
Không gian trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp