Có cuộc sống khá giả nhờ trồng nấm sạch
Làm giàu trên quê hương
Chia sẻ với chúng tôi anh Khánh cho hay: "Gia đình tôi bắt đầu trồng nấm từ năm 2009, với những dòng nấm như nấm sò, nấm rơm với quy nhỏ, dần dần tích luỹ được kinh nghiệm đến nay gia đình tôi đã trồng thêm 1 số loại nấm có giá trị cao như nấm Hoàng Đế, nấm Linh Chi"...
Trong quá trình trồng nấm không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng một màu hồng bởi có khá nhiều rủi ro từ khi trồng, chăm sóc đến thu hoạch, cung ứng ra thị trường… là cả một quá trình dài. Có những mẻ nấm không thành công, gia đình anh Khánh đã phải bỏ đi toàn bộ. Nhưng không nản chí, từ những thất bại anh Khánh đã tìm hiểu rõ những nguyên nhân và từ đó rút ra kinh nghiệm cho những mẻ nấm sau này.
Để có được kinh nghiệm, anh Khánh cũng đã tích cực tham gia lớp tập huấn về trồng nấm do địa phương, Hội Nông dân tổ chức. Cùng với đó anh Khánh cũng chủ động liên hệ với các chủ trang trại nấm để học hỏi thêm kinh nghiệm. Ngoài ra anh cũng tự mình tham khảo thêm các video, tài liệu trên mạng Internet về các mô hình trồng nấm trên cả nước để tích luỹ thêm kinh nghiệm.
Trong quá trình sản xuất nấm, anh Khánh đã sử dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp sẵn có ở địa phương như: Mùn cưa, bã mía, rơm rạ, gỗ mục… để làm nguyên liệu. Chính vì vậy mà quá trình sản xuất nấm vừa bảo vệ được môi trường lại vừa giảm chi phí đầu vào.
Đến nay anh Khánh đã thiết kế và xây dựng nhà trồng nấm phù hợp với điều kiện khí hậu của xã Phúc Thịnh. Nhà trồng nấm có hệ thống cửa thông thoáng, sạch sẽ, ánh sáng vừa phải...
Với giá bán nấm sò, nấm rơm từ 30.000-35.000 đồng/kg, nấm Linh Chi 1 đến 1,2 triệu đồng/kg. Nấm sò, nấm rơm được bán làm thực phẩm còn nấm Linh Chi được bán để làm thuốc, ngâm rượu, xay bột ăn, giúp điều hòa huyết áp, ngăn ngừa bệnh tật… mỗi năm gia đình anh Khánh cũng có thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm từ việc bán nấm.
Chia sẻ cùng cộng đồng
Không chỉ làm giàu cho bàn thân, gia đình mà anh Khánh còn luôn hỗ trợ các gia đình có nhu cầu về trồng nấm trên địa bàn, anh không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm của mình.
Đặc biệt trong năm 2022 anh Khánh đã cùng với 1 số bà con trồng nấm trên địa bàn xã Phúc Thịnh thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường với ngành nghề chính là sản xuất nấm.
Để nâng cao năng xuất và giảm sức lao động cho người trồng nấm, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường đã đầu tư máy móc để hỗ trợ trong các công đoạn: Máy nghiền mùn gỗ, máy đóng phôi, đóng bịch nấm…
Đến nay sau 1 năm thành lập, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường đã xây dựng quy trình chuẩn trong “Sản xuất nấm an toàn sinh học” từ đó các thành viên đã chủ động làm theo, toàn bộ sản phẩm nấm sau thu hoạch được Hợp tác xã bao tiêu.
Các sản phẩm nấm Tuấn Cường đã được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Tuyên Quang, Hà Giang, Hà Nội… Hiện tại mô hình sản xuất nấm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường đã tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương.
Năm 2023 cùng là năm thành công với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường, khi sản phẩm nấm sò đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Tuyên Quang, từ đó sản phẩm ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Anh Khánh chia sẻ thêm: Đối với mỗi loại nấm sẽ có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao phải làm chặt ngay từ khâu chọn giống, sau đó mới ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu sạch sẽ thì chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn nhiều. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến “Sản xuất nấm an toàn sinh học” bởi chỉ có sản phẩm sạch thì mới chinh phục được thị trường và người tiêu dùng.
Chính từ việc tạo ra được quy trình “Sản xuất nấm an toàn sinh học” đạt chuẩn, đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường, sản xuất, sản phẩm của các ngành chức năng đề ra mà cơ sở sản xuất nấm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tuấn Cường đã luôn được các Nhà trường trên địa bàn (từ cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học) lựa chọn là địa điểm thăm quan, trải nghiệm, học tập cho các cháu học sinh trên địa bàn xã về sản xuất nông nghiệp sạch an toàn.