Nữ tỷ phú người Tày "dám nghĩ, dám làm"
Người phụ nữ “đa - di - năng”
Chia sẻ về hành trình vượt khó đi từ đôi bàn tay trắng đến khi có cả cơ ngơi to nhất ở TT. Thông Nông, chị Hoàng Thị Bướm kể: Chị sinh ra trong 1 gia đình thuần nông, ở huyện nghèo, lớn lên lập gia đình ngoài đất nền nhà ở (diện tích khoảng 60m2) được bố mẹ hai bên giúp đỡ cũng không có gì gọi là quý giá, đất đai canh tác không có. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chị chỉ trông chờ từ việc giết mổ lợn thuê hàng ngày. Đến khi kiếm được một chút vốn, chị mạnh dạn xây dựng lò giết mổ lợn và tự bán ra thị trường, lúc bấy giờ giá cả bấp bênh có lúc còn bị thua lỗ, kinh tế gia đình gần như bế tắc không có lối thoát.
“Lúc đó, khát vọng, mong muốn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình lại càng lớn, tôi đã mạnh dạn đề xuất với cán bộ huyện để được vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Mặc dù số tiền vay rất ít ỏi nhưng cũng là cứu cánh cho tôi tiếp tục vượt qua khó khăn. Sau đó, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông qua kênh Hội Nông dân triển khai và tôi đã đầu tư mua hơn 1.000m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm” – chị Hoàng Thị Bướm chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Bướm chia sẻ tại buổi gặp gỡ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở cơ quan Trung ương Hội NDVN năm 2022.
Thông qua các cuộc phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” chị Hoàng Thị Bướm đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương trong và ngoài tỉnh vận dụng sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình trong điều kiện cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, không ngừng khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, lao động, đất đai.
Chị Hoàng Thị Bướm cho biết: Năm 2006, gia đình chị bắt đầu kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, vẫn duy trì dịch vụ giết mổ lợn, đến năm 2014 chị nâng cấp từ nhà nghỉ lên khách sạn, nhà hàng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2018 chị mua thêm diện tích gần 6.000m2 đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm; đồng thời còn thuê thêm 2.000m2 đất nông nghiệp để trồng rau, củ cung cấp cho nhà hàng cũng như các nhà hàng trong và ngoài huyện, 1000m2 đất ruộng để nuôi thả cá; xây chuồng trại nuôi 80 con lợn đen (ở khu tách biệt) từ nguồn thức ăn thừa của nhà hàng để nuôi lợn, mỗi năm cho 2 lứa lợn với sản lượng đạt khoảng 5.500 - 6.500kg thịt lợn sạch cung ứng cho nhà hàng và các nhà buôn. Chính vì vậy thu nhập gia đình chị năm sau cao hơn năm trước, như năm 2017 sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng, năm 2023 là 2,5 tỷ đồng.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chị tích cực học hỏi, tìm hiểu để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn quản lý nhà hàng. Đối với trồng trọt, chăn nuôi, nguồn phân bón được tận dụng từ sản phẩm chăn nuôi lợn được ủ men sinh học đủ thời gian nhằm tránh mầm bệnh trước khi bón cho cây trồng, để bảo vệ môi trường sinh thái; lắp bể biogas để tận dụng thêm khí đốt. Đối với quy trình quản lý nhà hàng với quy mô tương đối rộng, chị đã lắp các thiết bị camera giám sát các hoạt động, quản lý nhà hàng trên hệ thống máy vi tính, trang bị đầy đủ đèn và chuông báo động khi có sự cố cháy, nổ, trang bị và thay các bình khí để phòng cháy, chữa cháy kịp thời đúng thời gian quy định...
Làm tốt công tác xã hội
Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp với làm dịch vụ, chị Hoàng Thị Bướm đã tạo công ăn việc làm cho 20 đến 30 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4,5 triệu đến 6,0 triệu đồng/tháng; từ 10 đến 20 lao động theo mùa vụ. Ngoài ra, chị còn sẵn sàng giúp đỡ mọi người cùng làm giàu như hàng năm hướng dẫn, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho 35 lao động; 20 hộ được tư vấn, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; giúp đỡ được 20 hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, cây giống, con giống trị giá ước khoảng trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó mô hình hoạt động của gia đình chị còn đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập và thưởng thức những hương vị đặc sản quê hương.
Chị Hoàng Thị Bướm tại cơ ngơi của gia đình ở TT. Thông Nông.
Không chỉ có vậy, chị còn tích cực tham gia các phong trào do Hội và các cấp chính quyền phát động như ủng hộ 78 ngày công làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, góp hơn 100 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa của tổ dân phố và các xóm đặc biệt khó khăn khác; đóng góp đầy đủ các quỹ do địa phương phát động đặc biệt là Quỹ Hỗ trợ nông dân.
“Có được kết quả như ngày hôm nay, tôi cảm ơn tổ chức Hội Nông dân đã là cầu nối giữa hội viên nông dân với Đảng và Nhà nước để nông dân có cơ hội được tiếp cận các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp ủy, chính quyền các cấp trong sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo được niềm tin trong nông dân an tâm sản xuất góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tôi mong muốn các cấp, các ngành, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho gia đình tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên và phát triển hơn nữa trong tương lai” - chị Hoàng Thị Bướm đã xúc động chia sẻ.
Với những thành tích đạt được, chị Hoàng Thị Bướm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp Hội và chính quyền địa phương như. Danh hiệu “Nông dân SXKDG” cấp tỉnh giai đoạn 2012 -2016; “ Nông dân SXKDG” cấp tỉnh giai đoạn 2017 – 2019; “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020” của Trung ương Hội NDVN; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022.