Trở thành tỷ phú nhờ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất
Những tỷ phú ND làm giàu với mô hình mới
Là một trong những điển hình ND sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, anh Nguyễn Minh Trưởng (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã mạnh dạn đầu tư mô hình mới đó là mô hình nuôi ốc hương.
Anh Trưởng cho biết, từ năm 2017, anh đã đầu tư tiền của để xây dựng các bể nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng trong lần đi thăm quan các mô hình mới do Hội ND huyện Hải Hậu giới thiệu, anh biết đến con ốc hương. Qua tìm hiểu, anh được biết, ốc hương là đối tượng nuôi mới ở Hải Hậu, chưa có nhiều người nuôi và cho giá trị kinh tế cao hơn so với com tôm thẻ chân trắng nên đã tìm hiểu, tham quan mô hình nuôi ốc hương.
Đầu năm 2023, anh Trưởng quyết định chuyển 1 phần diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi ốc hương dù anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi ốc hương. Tận dụng hạ tầng sẵn có từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Trưởng áp dụng công nghệ cao vào nuôi ốc hương một cách bài bản và khoa học. Anh đầu tư hệ thống mái che nắng, che mưa; hệ thống lọc, xử lý nước tuần hoàn; hệ thống sục khí tạo oxy và nuôi ốc bằng ao lót bạt… Vừa nuôi ốc hương, anh Trưởng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc. Rất may, đàn ốc hương phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Sau 6 tháng nuôi, con nào con nấy đều đẹp mã, anh Trưởng xuất bán hơn 10 tấn ốc hương thương phẩm, sau khi trừ chí phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng.
“Trang trại đã xuất bán ra thị trường lứa ốc hương thương phẩm đầu tiên với số lượng hơn 10 tấn, bán với giá 270.000 - 280.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trang trại thu về 50% lợi nhuận", anh Trưởng bật mí.
Anh Trưởng chia sẻ, ốc hương là đối tượng thủy sản nước mặn có sức đề kháng tốt, sống khỏe, ít dịch bệnh, mỗi năm nuôi được 2 vụ. So với tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương nhàn hơn, thời gian quản lý không nhiều, chi phí thức ăn thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn tôm. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi ốc hương nếu nguồn nước bị ô nhiễm, vệ sinh không sạch sẽ thì ốc dễ bị cứng miệng, sưng vòi, bỏ vỏ, đau bụng… do đó cứ 2 - 3 ngày phải thay nước 1 lần. Tháng 9/2023, mô hình nuôi ốc hương của anh Trưởng đã đạt chứng nhận VietGAP.
Còn anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ Linh Phát (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) lại làm giàu với mô hình trồng nấm. Anh Thành chia sẻ: Hiện tại, ngành nghề sản xuất chính của HTX Dịch vụ Linh Phát là nuôi trồng và sản xuất các loại nấm. Trong đó, sản phẩm chủ lực là nấm linh chi, ngoài ra còn có nấm bào ngư, đông trùng hạ thảo, mộc nhĩ và một số sản phẩm chế biến từ nấm.
Anh Nguyễn Văn Thành (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) với mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Linh Phát, sau gần 10 năm gây dựng, đến nay HTX phát triển ổn định, số lượng thành viên cũng tăng lên so với trước đây. Hiện HTX đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm rượu nấm linh chi Linh Phát, nấm linh chi Linh Phát, nấm bào ngư Linh Phát.
Dự kiến sang năm 2024, anh Thành đăng ký tham gia thêm 3 sản phẩm vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) gồm, đông trùng hạ thảo sấy khô kiểu thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo và trà nấm linh chi hòa tan.
Đồng hành cùng hội viên, nông dân làm giàu
Một trong những kết quả nổi bật của các cấp Hội ND tỉnh Nam Định trong nhiệm kỳ qua đó là phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi được đẩy mạnh. Bình quân mỗi năm, Hội ND tỉnh Nam Định có 252.000 số hộ ND đăng ký, trong đó có trên 129.000 hộ đạt danh hiệu hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, nhiều ND sản xuất kinh doanh giỏi là những tỷ phú ND năng động làm giàu với những mô hình mới.
Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định: Để có được kết quả trên, các cấp Hội ND trong tỉnh phối hợp bồi dưỡng, trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho ND; tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ND ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tại các tỉnh bạn.
Nông dân giỏi huyện Hải Hậu giới thiệu mô hình nuôi ốc hương với cán bộ Trung ương Hội NDVN và lãnh đạo Hội ND tỉnh Nam Định.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285.000 lượt hội viên, ND. Các cấp Hội ND tỉnh Nam Định còn chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, vận động ND tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Kết quả, ND Nam Định đã tham gia xây dựng được 458 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 21.844ha, trong đó có 3.121ha được bao tiêu sản phẩm; xây dựng 183 mô hình kinh tế tập thể với trên 2.500 thành viên tham gia.
Cũng trong nhiệm kỳ qua, Hội ND tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức 359 lớp dạy nghề cho gần 12.000 lượt người; hơn 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285.000 lượt hội viên, ND.
Cùng với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên ND tỉnh Nam Định còn tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường. Toàn bộ 209 cơ sở Hội, 2.018 chi hội đều có mô hình, việc làm cụ thể tham gia xây dựng nông thôn mới.
Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, các cấp Hội ND trong tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện. Theo đó, các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để giúp những hộ ND có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần duy trì và tham gia hình thành các chuỗi liên kết mới.
Năm 2024, các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để giúp những hộ ND có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, góp phần duy trì và tham gia hình thành các chuỗi liên kết mới.