Đưa phong trào Saemaul Undong đến gần với sinh viên Việt Nam
Dự Lễ khánh thành có đại diện Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM; đại diện Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul; Giám đốc ĐHQG TP.HCM; Đại học Nông lâm; lãnh đạo Sở NN&PTNT, Văn phòng điều phối Nông thôn mới một số tỉnh, thành phía Nam...
PHát biểu khai mạc, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn – Saemaul Undong (TT-PTNT-SU) cho biết, TT-PTNT-SU được thành lập vào năm 2016 là kết quả của sự hợp tác giữa ĐHQG,Trường ĐHKHXHNV với Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul. Trung tâm có mục tiêu xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình nghiên cứu, các dự án mang tính ứng dụng trong lĩnh vực phát triển nông thôn.
Trong giai đoạn gần 5 năm vừa qua, Trung tâm đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từ một đơn vị còn non trẻ, đến nay Trung tâm đã khẳng định được uy tín, vị thế và thương hiệu của mình trong lĩnh vực phát triển nông thôn tại Việt Nam trên nền tảng tinh thần Saemaul với 3 giá trị cốt lõi: Cần cù – tự lực – hợp tác.
Tính đến nay, Trung tâm có hơn 40 đối tác trong và ngoài nước với hơn 100 chương trình tư vấn, nghiên cứu và ứng dụng trong hoạt động phát triển nông thôn; thực hiện các đề tài từ cấp nhà nước đến địa phương nhưng tập trung chủ yếu và các dự án đề án tư vấn cho các địa phương. Ban Giám đốc Trung tâm cũng là chủ biên và đã xuất bản gần 10 đầu sách tham khảo về tinh thần và phong trào Saemaul, phát triển du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.
Song song với các hoạt động nghiên cứu và tư vấn, Trung tâm cũng rất chú trọng đến công tác giáo dục. Năm 2018, Trung tâm đã thành lập Phòng Trưng bày và giáo dục Saemaul để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của phong trào Saemaul của Hàn Quốc đến với xã hội. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Phòng trưng bày và giáo dục Saemaul là điểm đến quen thuộc đối với sinh viên trong và ngoài trường, sinh viên quốc tế, cán bộ, nông dân, doanh nghiệp tìm hiểu và học tập.
Nội dung của Phòng trưng bày và giáo dục Saemaul và Trung tâm triển lãm thực tế ảo Saemaul Undong gồm có quá trình hình thành và phát triển của phong trào Làng mới Saemaul tại đất nước Hàn Quốc, hiệu quả của phong trào Saemaul và sự lan tỏa của phong trào này đến quốc gia và các khu vực trên toàn thế giới, sự thành lập và sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul (SGF). Đặc biệt là việc áp dụng tinh thần Saemaul và thành tựu triển khai Chương trình Nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại các tỉnh thành trong khắp cả nước.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP.HCM đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực phát triển nông thôn và thực hiện các chương trình Quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm và lan tỏa tinh thần Saemaul. Trung tâm là biểu hiện cho sự hợp tác thành công của Đại học Quốc gia, Trường ĐHKHXHNV và Quỹ toàn cầu hoá Saemaul và tỉnh Gyeongsangbuk của Hàn Quốc nói riêng của Việt Nam và Hàn Quốc nói chung.
Trung tâm phát triển Nông thôn – Saemaul Undong nói riêng và Nhà trường thông qua các hoạt động của mình đã liên tục sáng tạo và thích ứng để phát triển. Việc khánh thành phòng trưng bày và giáo dục Saemaul ngày hôm nay là một minh chứng rõ nét.
Dù Phòng trưng bày này mới khánh thành năm 2018 và khởi thủy chỉ là về chủ đề phong trào Làng mới của Hàn Quốc nhưng qua 3 năm hoạt động, Trung tâm đã đưa những nội dung mới trong hoạt động chuyển tải các giá trị học hỏi được của phong trào Làng mới ở Hàn Quốc vào xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam vào nội dung trưng bày.
“Và quan trọng hơn, để thích ứng với dịch bệnh và giãn cách xã hội, Trung tâm đã khẩn trương xây dựng phòng trưng bày thực tế ảo. Tôi biết, trước đây mỗi năm có hàng ngàn lượt sinh viên đến tham quan và học hỏi ở phòng trưng bày này. Nhưng giờ đây, với trung tâm trưng bày thực tế ảo này thì sẽ có nhiều người biết đến các nội dung của phòng trưng bày hơn nữa. Đây là trung tâm thực tế ảo đầu tiên của Trường ĐHKHXH và NV.”, PGS.TS Vũ Hải Quân nhấn mạnh./.
Phong trào Saemaul Undong, còn được gọi là phong trào “Làng mới” do Chính phủ Hàn Quốc phát động vào năm 1970 nhằm hiện đại hóa nông thôn của quốc gia này. Với tôn chỉ: “Nội lực của cộng đồng là giá trị cốt lõi”, chỉ sau 4 năm, phong trào đã đạt những kết quả to lớn, thay đổi toàn bộ diện mạo nông thôn Hàn Quốc.
Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.