Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Không khí lễ hội tràn ngập tại Đền Hùng

07:06 16/04/2024 GMT+7
Còn ít ngày nữa mới đến ngày chính Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024 (mùng 10/3 Âm lịch) nhưng không khí của ngày lễ trọng này đã tràn ngập khắp thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Chú thích ảnh

Đoàn rước kiệu của xã Hy Cương. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Trên khắp các tuyến phố, nẻo đường ở tỉnh đều ngập tràn sắc đỏ của cờ, hoa, ánh đèn rực rỡ và các pano, áp phích mang dòng chữ “Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, tạo không khí vui tươi phục vụ du khách về bái Tổ.

Bà Phạm Thị Luyến, xã Quang Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cho biết, tranh thủ ngày nghỉ, bà và gia đình đã sắm sửa lễ quả về Đền Hùng dâng hương để tưởng nhớ công đức Tổ tiên và cầu mong sức khỏe, bình an. Gia đình hết sức vui vẻ khi được xem và tham dự nhiều hoạt động diễn ra tại Khu di tích Đền Hùng. Do là ngày nghỉ nên đông đảo du khách đổ về Khu di tích, tạo cho không khí lễ hội càng thêm sôi động.

Theo Ban quản lý Khu di tích Đền Hùng, trước ngày chính Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Thìn 2024, Phú Thọ đã đón hàng vạn lượt người dân và du khách thập phương nô nức trẩy hội về Đền Hùng. Đặc biệt trong hai ngày nghỉ cuối tuần (13 - 14/4, tức mùng 5 - 6/3 Âm lịch), lượng khách ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài đã hành hương về Đền Hùng tăng đột biến.

Mặc dù lượng khách đổ về Đền Hùng trong những ngày này luôn tăng cao, nhưng với kinh nghiệm tổ chức và tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao của các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ nên công tác an ninh, trật tự luôn đảm bảo; không khí lễ hội luôn trang nghiêm, thành kính.

Theo ông Hồ Đại Dũng, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024, về Đền Hùng những ngày này, cùng với nghi lễ dâng hương - thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc vùng Đất Tổ tại Hội trại văn hoá được tổ chức trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Phần lễ được tổ chức đảm bảo trang nghiêm, trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng, an toàn, văn minh, tiết kiệm với nhiều nghi thức quan trọng diễn ra từ ngày 1 - 10/3 Âm lịch (từ ngày 9 - 18/4) như: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…

Nội dung phần hội được gắn kết chặt chẽ với sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch góp phần thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ, quảng bá tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa Phú Thọ tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch thập phương về trảy hội dịp diễn ra Lễ hội Đền Hùng và tham quan, trải nghiệm du lịch đất Tổ thời gian tới.

Chú thích ảnh

Đâm đuống, một trong những hoạt động văn hóa truyền thống của người Mường (Phú Thọ) được trình diễn tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Đặc biệt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như: Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn múa Lân - Sư - Rồng tại khu vực trục hành lễ - Trung tâm lễ hội và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng…

Đồng thời, nhiều hoạt động được diễn ra tại trung tâm thành phố Việt Trì như: Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh tại Bảo tàng Hùng Vương; Hội chợ Thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP tại Sân vận động Bảo Đà (phường Dữu Lâu); Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” tại Công viên Văn Lang; trình diễn hát Xoan làng cổ từ ngày 6 - 10/3 Âm lịch (14 - 18/4 Dương lịch) tại các phường Xoan cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì; Hội thi Bơi trải mở rộng tại hồ công viên Văn Lang. Đặc biệt là chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu phía Nam Công viên Văn Lang vào tối 9/3 Âm lịch (17/4 Dương lịch), hứa hẹn mang đến không khí tươi vui, phục vụ đông đảo nhân dân và du khách về với đất Tổ.

Tại lễ hội năm nay, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách cũng được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Ngoài các nhà hàng, khách sạn sẵn có tại trung tâm thành phố Việt Trì và khu di tích lịch sử Đền Hùng, nhiều hộ dân các xã lân cận cũng tích cực đăng ký với chính quyền địa phương để phục vụ nơi ăn, nghỉ cho du khách. Hành hương về đất Tổ năm nay, người dân sẽ cảm thấy ấm lòng hơn bởi được tham gia vào nhiều hoạt động thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Đến thời điểm hiện tại, cùng với việc chỉnh trang đô thị, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông để phục vụ du khách hành hương về với Đền Hùng cũng được tỉnh Phú Thọ chỉ đạo hoàn tất, sẵn sàng đón du khách trong và ngoài nước về tham dự các hoạt động của lễ hội.

Theo TTXVN

Tin cùng chuyên mục
Tin khác