Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,6 tỷ USD, tăng hơn 83% so với cùng kỳ 2021
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL, diện tích nuôi cá tra phát sinh trong 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.200 ha, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 3/2022 giảm khoảng 29% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là thời điểm giá cá tra giống đạt mức cao nhất trong năm 2022, dao động trong khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Diện tích thả nuôi tháng từ tháng 4 - 5/2022 tăng tương ứng 20% và 49,4 % so với cùng kỳ năm 2021. Với diện tích thả nuôi từ tháng 4 - 7 như hiện nay, sản lượng thu hoạch dự kiến các tháng cuối năm có khả năng đáp ứng nhu cầu cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu. Các địa phương có diện tích thả nuôi tập trung nhiều nhất gồm Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, chiếm khoảng 69% tổng diện tích thả nuôi của toàn vùng.
Về sản lượng thu hoạch cá tra 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 0,81 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cá tra thu hoạch trong tháng 2/2022 tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, tương ứng với nhịp tăng giá cá thương phẩm do thiếu nguyên liệu và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 trong thời gian dài.
Kết quả sản xuất giống cá tra năm 2009, toàn vùng ĐBSCL có 152 trại sinh sản cá bột, khoảng 4.441 hộ ương cá giống trên diện tích hơn 1.929 ha, năng lực sản xuất được hơn 15,6 tỷ cá bột và 1,93 tỷ cá giống. Đến năm 2019, toàn vùng ĐBSCL có 230 cơ sở sản xuất cá tra bột, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho biết: “Sản lượng cá tra thương phẩm thu hoạch 7 tháng đầu năm đạt hơn 900.000 tấn, tương đương với cùng kỳ năm 2021, sản lượng giống thu hoạch đạt 15,9 tỷ cá bột và 2,2 tỷ cá giống, tăng 10% so với cùng kỳ. Giá cá tra nguyên liệu các tháng đầu năm có thời điểm tăng khoảng 10.000 đồng -13.000 đồng/kg so với 6 tháng cuối năm 2021.
Giai đoạn trước năm 2010, chất lượng giống cá tra chưa được xem trọng. Giai đoạn 2010-2022, Bộ NN & PTNT đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm nâng cao chất lượng di truyền ở một số điểm như: tăng trưởng, kháng bệnh, tỷ lệ phi lê, chịu mặn, sản xuất giống cá tra trái vụ...
Đồng thời, việc xây dựng chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp tại An Giang và một số địa phương khác đã tạo sự chuyển biến lớn, góp phần thay đổi tích cực ngành Nông nghiệp cá tra trong thời gian qua, giúp cân đối cung cầu giữa sản lượng giống và số lượng giống cần cho hoạt động nuôi thương phẩm, từng bước đáp ứng yêu cầu của người nuôi”.
Giá cá tra giống có thời điểm duy trì ở mức cao kỷ lục trong hơn 2 năm qua khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg giống loại 30 - 35 con/kg tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ do nguồn cung hạn chế, sức mua tăng. Hiện nay, giá cá tra giống đang ở mức 29.000 - 30.000 đồng/kg, cá thương phẩm là 27.000 - 28.000 đồng/kg. Kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 7 đạt 1,6 tỷ USD, tăng hơn 83% so với cùng kỳ.
Năm 2022, số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sản xuất, ương dưỡng cá tra, cả nước cho biết, hiện có 103 cơ sở sản xuất giống tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An.
Tính đến ngày 30/7/2022, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953 ha, sản lượng cá tra bột, cá tra giống sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và trên 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cá tra giống thu hoạch trong các tháng 2, 4, 5 tăng tương ứng là 71%, 96%, 63%, riêng tháng 3 giảm 26% so với cùng kỳ. Diện tích thả nuôi cá tra các tháng 2, 4, 5 tăng tương ứng là 94%, 20%, 49,4%; riêng tháng 3 giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho biết: Qua báo cáo, có thể thấy sự liên kết giữa hoạt động sản xuất, ương dưỡng giống và hoạt động nuôi thương phẩm vẫn còn nhiều tồn tại. Việc liên kết trong hoạt động nuôi còn cục bộ nên cần phải có giải pháp thay thế sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Số lượng cơ sở ương dưỡng giống chưa được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận còn thấp, cần được quan tâm thực hiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc và kiểm soát tốt chất lượng cá. Các dự án đầu tư hạ tầng vùng sản xuất ương dưỡng giống cá tra thuộc đề án cá tra 3 cấp còn chậm. Tình trạng sử dụng cá bố mẹ chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn tồn tại có thể gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của toàn chuỗi ngành hàng.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh An Giang cho biết: “Tỉnh có thế mạnh nuôi cá tra ở ĐBSCL bởi nằm ở thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu, diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh là 1.235 ha, trong đó đã có 1.049 ha liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Năm 2022, thị trường xuất khẩu giảm nhẹ nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng. Để ngành cá tra phát triển bền vững trước những cơ hội, thách thức mới, An Giang tập trung cải thiện chất lượng giống, bảo vệ môi trường, tăng ứng dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, tỉnh an Giang đang tập trung hỗ trợ người nuôi và các doanh nghiệp thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Tạo điều kiện xây dựng các chuỗi liên kết giống, nuôi cá tra thương phẩm với hạt nhân là doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các dự án, thúc đẩy phát triển việc chọn tạo giống chất lượng cao; có chính sách cụ thể nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu chọn tạo, nhân giống đáp ứng yêu cầu cung cấp đủ giống tốt phục vụ sản xuất thủy sản; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu chọn tạo giống, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nhập khẩu giống, sản xuất cung ứng giống cho sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống thủy sản”.