Kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD
Đồng Tháp hiện là địa phương có diện tích, sản lượng cá tra cao nhất toàn vùng ĐBSCL. Năm 2022, ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản.
Thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước tới nay. Ước cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.700 ha, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Theo báo cáo của Sở NN& PTNT các tỉnh nuôi cá tra lớn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An và Sóc Trăng về kết quả điều tra chi phí sản xuất và giá thành cá tra nguyên liệu đợt 1 năm 2022 tại ĐBSCL, giá thành cá tra nguyên liệu dao động trong khoảng từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg. Giá cá giống chiếm khoảng 8-10% giá thành. Do đó, với giá thu mua từ 29.500 từ 30.000 đồng/kg loại I, người nuôi có lãi, điều đó giúp duy trì bền vững chuỗi giá trị ngành hàng cá tra.
Năm 2022, ngành hàng cá tra đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn và các doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường thế giới tăng tiêu thụ sau đại dịch, từ đó đã tổ chức sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiệu quả, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng chung của ngành thủy sản.
Tại Hội nghị, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: 2 thị trường chi phối lớn nhất của xuất khẩu cá tra nước ta là Trung Quốc chiếm 30%, Mỹ chiếm 23%. Trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 104,5 ngàn tấn cá tra phi lê đông lạnh, giá trị 445 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico... Giá xuất khẩu cá tra phi lê sang các thị trường khác đều tăng trung bình từ 28-66%. Có thể nói, ngành hàng cá tra đã triệt để tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch Covid-19, là cơ hội về giá nên giá trị xuất khẩu vượt trội…
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT cho biết: Ngành hàng cá tra đang có rất nhiều cơ hội nhưng và nhiều thách thức. Thị trường thế giới năm 2023 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp do những bất ổn về chính trị, kinh tế… nhu cầu cá tra có thể chựng lại và không cao như các tháng đầu năm 2022. Do đó, các doanh nghiệp và ngành chức năng cần chủ động tốt từ sản xuất, chế biến và xuất khẩu; đầu tư nâng cao chất lượng để đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu thụ của các thị trường trên thế giới; bám chặt các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới…
Thời gian tới, ngành hàng phải tập trung nâng cao chất lượng con giống, chất lượng di truyền về một số tính trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, chịu mặn.... Cùng với đó là ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không chủ trương mở rộng diện tích quá nhiều nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu”.