Diễn đàn

Hà Nam:

Kinh tế tập thể thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Hoàng Việt - 07:04 05/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm từng bước đưa kinh tế tập thể phát triển theo hướng kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội Nông dân (ND) tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mô hình tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) giúp ND liên kết sản xuất nông nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Nông dân tham gia HTX luôn chú trọng sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, sản xuất sạch.

Hội ND hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu là định hướng chung cho toàn ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam những năm qua.

Để thực hiện hóa mục tiêu, Hội ND tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó đầu tàu là các doanh nghiệp, HTX và THT.

Hội ND các cấp đã vận động hội viên ND thực hiện liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp. Với sự tham gia tích cực của ND, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phát triển được 241 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Nông dân tham gia HTX luôn chú trọng sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, sản xuất sạch, nỗ lực ứng dụng KHKT trong trồng trọt gắn với các sản phẩm chủ lực vùng để nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Sau hơn 1 năm thí điểm, được sự hỗ trợ của Hội ND xã Đồng Du và các ban, ngành liên quan, dự án nông nghiệp cao kết hợp du lịch trải nghiệm của HTX nông nghiệp và dịch vụ Thanh Hà, trên địa bàn xã Đồng Du (Bình Lục, Hà Nam) đang cho thấy những kết quả tích cực, mở ra hướng làm giàu bền vững cho các thành viên.

Để triển khai dự án, HTX Thanh Hà đã chủ động xây dựng các cánh đồng lớn trên tổng diện tích gần 20ha, cùng hệ thống kênh tưới tiêu, bể chứa nước tưới, nhà kho và 3.000m2 nhà màng chọn lọc giống hiện đại. Sản phẩm chủ lực của HTX là các loại rau, củ, quả, rau gia vị chất lượng cao...

Ông Mai Hữu Đoan, Phó Giám đốc HTX cho hay, dự án đang được triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, cải tạo đất phù hợp với trồng rau, củ, quả và bước đầu đi vào sản xuất. Trong vụ Đông 2023 vừa qua, HTX đã bắt đầu đưa một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn ra thị trường.

Hiện, 100% diện tích sản xuất của HTX đang được áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. HTX cũng đang hoàn thiện 7ha nhà màng phục vụ trồng các loại rau chất lượng cao, vừa giúp bảo đảm yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, vừa chủ động ứng phó với thời tiết, ngăn ngừa dịch hại.

Nếu HTX Thanh Hà đang ở giai đoạn đầu của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì HTX nông sản an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng) đã gặt hái thành công nhờ phát triển nông nghiệp hiện đại từ nhiều năm trước, và đã xuất khẩu thành công bắp cải GlobalGAP sang Nhật Bản.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, HTX dành nhiều sự quan tâm đến chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, đồng thời hướng mạnh đến thương mại điện tử và chuyển đổi số.

Cụ thể, về KHKT, trong những năm qua, trên tổng diện tích hơn 5ha, HTX đã xây dựng trên 1.000m2 nhà màng, hơn 10.000m2 tưới tự động, cùng hệ thống máy móc, thiết bị hỗ trợ hiện đại, cơ giới hóa được đưa vào hầu hết các khâu canh tác, qua đó giảm đáng kể công lao động.

Ông Phạm Hoàng Hiệp, Giám đốc HTX Liên Hiệp khẳng định, sản xuất công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại giá trị bền vững cho thành viên, ND liên kết, đưa ra thị trường những loại rau, củ, quả sạch luôn là định hướng xuyên suốt của HTX kể từ khi thành lập.

Hiện, bình quân mỗi năm, HTX Liên Hiệp tiêu thụ khoảng 100-120 tấn rau, củ, quả các loại. Có thời kỳ cao điểm lượng tiêu thụ của HTX lên tới 420-500 tấn/năm, doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng giá trị lượng rau xanh cung cấp cho các bếp ăn trong tỉnh đạt 500 triệu đồng/tháng, tạo việc làm và thu nhập cho từ 5-7 lao động.

Tỉnh Hà Nam đang thúc đẩy nguồn lực, phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

 Kinh tế tập thể thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

Tại huyện Lý Nhân, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vai trò của HTX được thể hiện nổi bật thông qua thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng kết nối để phát triển ổn định và bền vững; tham gia đóng góp quy hoạch, xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa bàn cơ sở.

Một số HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ xã viên với mô hình liên kết HTX - hộ thành viên - doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây hàng hóa (lúa, dưa chuột xuất khẩu, rau các loại…)

HTX đã bổ sung thêm một số dịch vụ thỏa thuận và đưa vào trong kế hoạch chuyển đổi của các HTX, chú trọng vào các dịch vụ đầu vào đảm bảo nhu cầu cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ theo hướng liên doanh, liên kết như: Dịch vụ phân bón, thức ăn, chăn nuôi... và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

Đến nay, 21/21 cơ sở Hội đều có mô hình kinh tế tập thể; các xã, thị trấn đã duy trì và xây dựng nhiều mô hình mới hoạt động cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như mô hình: Nuôi cấy đông trùng hạ thảo và giò chả gia truyền tại xã Công Lý; chăn nuôi lợn tại xã Chính Lý; nuôi thỏ thịt ở xã Chân Lý; nuôi cá sông trong ao xã Nhân Đạo; sản xuất đồ gỗ theo lối cổ ở xã Xuân Khê.

 Đặc biệt, mô hình HTX kiểu mới ít thành viên bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, bền vững, sản phẩm hàng hóa công nghệ cao, nông sản sạch; một số HTX đã hình thành được chuỗi liên kết giá trị theo hướng liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa cho thành viên, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ giữa HTX với thành viên và các doanh nghiệp, điển hình như các HTX xã nông sản sạch Bảo An, HTX dược thảo Minh Đức, HTX bún phở khô Khánh Linh... 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác