Hồ sơ - Tư liệu

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021): “Vấn đề dân cày” –  hơn 84 năm vẫn còn nguyên giá trị

07:09 25/08/2021 GMT+7

Tác phẩm “Vấn đề dân cày”([1]) được xuất bản thành hai quyển trong năm 1937 – 1938, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bút danh là Vân Đình) và đồng chí Trường Chinh (bút danh là Qua Ninh). Đây là sách, báo của Đảng, được xuất bản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ do Đảng Cộng sản Đông dương tổ chức và lãnh đạo được thành lập. Cuốn sách đã bóc trần những thối nát của xã hội cũ, đồng thời làm cho bạn đọc thấy được vai trò quan trọng của nông dân trong cách mạng Việt Nam. Tuy ra đời cách đây hơn 84 năm, nhưng đến nay nhiều nội dung mà các tác giả đề cập vẫn còn nguyên giá trị.  

Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đồng bào các dân tộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng (tháng 12/1989). Nguồn: Báo Cao Bằng.

Trước hết, chúng ta thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã vận dụng lý luận của nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó và thực tiễn đời sống nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, từ đó đề cập đến dân cày một cách toàn diện: ruộng đất, địa tô, sưu thuế, cho vay nợ lãi, giáo dục…

Bằng việc đưa ra những dẫn chứng cụ thể: “Cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) và cuộc cách mạng vô sản Nga (1917) thành công một cách vẻ vang, một phần là nhờ ở thái độ cách mạng của dân cày”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đánh giá rất cao vai trò to lớn của dân cày: “Dân cày là một lực lượng hậu bị khá mạnh của cách mạng, cho nên phàm một cuộc cải tạo xã hội một cách lớn lao phải có dân cày tham gia mới có kết quả”. “Khi nào họ được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường, to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc. Song tất cả vấn đề là ở chỗ: giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo được dân cày”. Với cách nhìn khoa học, các tác giả khẳng định: “Vấn đề ruộng đất và vấn đề dân cày: vấn đề trụ cột của Đông dương”, “Mấu chốt của vấn đề Đông dương là làm sao cho dân cày có đất cày cấy”([2]). Chúng ta thấy, quan điểm của các tác giả đúng như Chánh cương vắn tắt, sách lược vắn tắt (tháng 2 năm 1930) và Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 năm 1930) là chia ruộng đất cho dân cày. Để thực hiện “dân cày có đất cày cấy”, ngay sau khi đất nước giành được độc lập, Đảng, Chính phủ đã tịch thu ruộng công, chia cho những gia đình không có đất cày cấy. Tháng 11/1953, Hội nghị lần thứ Năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất của Đảng đã nhất trí thông qua Cương lĩnh Ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất. Ngày 19/12/1953, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 197/SL, ban bố “Luật cải cách ruộng đất”. Điều 1 của Luật đã ghi rõ mục đích và ý nghĩa cải cách ruộng đất là: “Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ; Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân”.

Từ năm 1937, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: “Muốn cho dân đỡ khổ phải làm cho nền kinh tế nông nghiệp được dồi dào”. Thực tế cho thấy, sau khi giành được chính quyền và tuyên bố độc lập (02/9/1945), Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, như: Khai hoang, phục hóa, tăng cường thủy lợi, vận động nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể (hợp tác xã hóa)… Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8/1979) đã xác định: “Chính phủ cần ban hành các chính sách khuyến khích mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp... Khuyến khích các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và cả gia đình xã viên, nông dân cá thể tận dụng diện tích ruộng đất, hồ, ao còn bỏ hoang hoặc bỏ hoá…”. Có thể nói, Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) là bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến, Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 12/1980) đã quyết định: Mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp”. Để thực hiện chủ trương đó, ngày 13/01/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 100-CT/TW, về Cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm người lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp”. Chỉ thị số 100-CT/TW chỉ nói tới khoán sản phẩm tới nhóm và người lao động chứ chưa nhắc tới khoán hộ; gia đình mới chỉ được làm ba khâu là  cấy, chăm sóc và thu hoạch, còn tập thể đảm nhiệm năm khâu trong quá trình sản xuất cây lúa. Vì vậy, sau gần 8 năm thực hiện, nông nghiệp nước ta vẫn không “dồi dào” lên được, thậm chí thiếu lương thực, phải nhập từ nước ngoài. Thấy rõ những hạn chế của Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Nghị quyết yêu cầu: Thực sự giải phóng sức sản xuất”, “Trong trồng trọt, về cơ bản khoán đến hộ hoặc nhóm hộ xã viên…, bảo đảm cho người nhận khoán canh tác trên diện tích có quy mô thích hợp và ổn định trong khoảng 15 năm…, bảo đảm cho các hộ xã viên nhận khoán thu được khoảng trên dưới 40% sản lượng khoán trở lên…”. Nghị quyết số 10-NQ/TW thực sự tạo “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp, “từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo([3]); những năm gần đây, không chỉ lúa gạo, mà nhiều nông sản xuất khẩu của nước ta đứng đầu thế giới.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế nông nghiệp chưa đủ, mới chỉ giải quyết được vấn đề “dân đỡ khổ”. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/9/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, lần đầu tiên vấn đề “tam nông” mới được giải quyết một cách đồng bộ. Quan điểm của Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu rõ: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng…”. Nghị quyết số 26-NQ/TW đã nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới.

Nói về các tệ nạn xã hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã chỉ ra nguyên nhân của nó: “Cho vay nặng lãi là một cái nạn nó dằn vặt dân cày; không một hạng dân cày nào tránh khỏi nạn ấy. Vì sao? Vì một lẽ rất giản dị là dân cày sau khi trả địa tô cho địa chủ không còn đủ để nuôi sống cho mình và vợ con mình, đó là chưa kể đến những chi tiêu về làm ruộng, mua phân bón, thuê trâu…”([4]). Không chỉ chế độ thực dân, phong kiến, mà cách đây không lâu, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi liên tỉnh; không chỉ nông dân, mà công chức, viên chức, sinh viên, người lao động thường xuyên nhận được lời chào mời vay hấp dẫn, thông qua tin nhắn qua điện thoại, hoặc các tờ rơi dán khắp các ngõ, hẻm “vay không cần tài sản thế chấp”! Và không ít người khuynh gia, bại sản vì những kẻ cho vay nặng lãi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã nêu lên những hậu quả của thời tiết: “Xưa nay đời sống của dân cày gặp nhiều tai nạn, mà những tai nạn tự nhiên ghê gớm bậc nhất có lẽ là lụt lội. Nếu không giải quyết được vấn đề lụt lội thì chưa giải quyết được một phần khá quan trọng của vấn đề dân cày”([5]). “Nhất thủy, nhì hỏa” là câu nói được truyền tụng bao đời nay, để nói lên hậu quả của nó đến đời sống của người dân. Từ khi dành được chính quyền, nhất là sau khi nước nhà thống nhất (30/4/1975), Đảng, Nhà nước ta đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện, vừa ngăn lũ lụt, trữ nước tưới phục vụ sản xuất, vừa biến thủy năng thành điện năng, đem lại lợi ích to lớn cho các ngành kinh tế và đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên các công trình trị thủy hiện tại có lúc vẫn chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề lụt lội.

Đồng bóng, mê tín dị đoan là những tệ nạn xã hội được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh phê phán: “Mỗi ngày giỗ là một dịp tế ruồi rồi chè chén, cãi nhau. Nhiều nhà khổ về giỗ”, “Ma chay ở nhà quê cũng là một dịp ăn uống”([6]). Để giải quyết những tệ nạn này, ngay từ khi giành được độc lập, Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp; các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện đời sống mới; ngày 12/01/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW “Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Quá trình thực hiện, “bên cạnh những kết quả đạt được, việc cưới, việc tang vẫn còn những hạn chế như: tổ chức lãng phí, vụ lợi; ăn uống linh đình, nhiều ngày, nhiều nơi, mời nhiều khách”([7]), vì vậy, ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg “Về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh lên án mạnh mẽ chính sách của xã hội thực dân, phong kiến đối với giáo dục:“Về giáo dục ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, chính sách ngu dân đã được thi hành một cách có hệ thống. Người ta không muốn cho dân có học vì sợ dân giác ngộ, đấu tranh chống những sự bất công. Số người mù chữ ở Đông Dương chiếm một tỷ lệ kinh khủng: 95% hoặc hơn nữa.”([8]) Tác phẩm cũng chỉ ra rằng “Dân cày thất học, do đó họ càng mê tín, dị đoan”, và đưa ra kết luận: “Tình hình ấy đòi hỏi một cuộc đấu tranh bền bỉ chống nạn mù chữ, chống đồi phong, bại tục, chống mê tín, dị đoan”. Chúng ta thấy, Đảng, Nhà nước ta từ trước đến nay rất quan tâm đến việc nâng cao dân trí cho Nhân dân. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu sáu vấn đề cấp bách, trong đó nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai, sau nhiệm vụ chống giặc đói. Người đã nói:‘‘Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu, vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch chống nạn mù chữ’’. Phong trào Bình dân học vụ ra đời nhằm thực hiện mục tiêu chống nạn mù chữ, “Hà Tĩnh là một tỉnh thanh toán xong nạn mù chữ trước nhất trong nước”([9]), được Bác Hồ gửi điện khen ngợi. Cách đây 25 năm, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII (tháng 12/1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 đã xác định: “Thực sự coi giáo dục – đào tạo, là quốc sách hàng đầu”, “Đầu tư cho giáo dục – đào tạo là đầu tư phát triển”, “Giáo dục – đào tạo là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân”. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”.

Thực tế những gì đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và các  cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, cũng như quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong 35 năm qua, đã chứng minh cho những luận điểm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh đã nêu:“Khi nào họ được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường, to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc”. “Vấn đề dân cày” tuy đã ra đời cách đây hơn 84 năm, nhưng chúng ta thấy cách nhìn nhận, đánh giá về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn nguyên vẹn giá trị trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

 Dương Trí Thức

Chú giải:

[1] Vấn đề dân cày, Nxb Sự thật, Hà Nội 1959.

[2] Trang 16

[3] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, thứ hai, 08/06/2020

[4] Sđd, trang 47.

[5] Sđd, trang 115.

[6] Sđd, trang  128 và 129.

[7] Nguyên văn theo Chỉ thị số 05/CT-TTg.

[8] Sđd, trang 130

[9] Bác Hồ với Hà Tĩnh, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2007, trang 37.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác